Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Việt Nam: Người dân Lên tiếng giúp Cải thiện Dịch vụ cho Trẻ em


Gia đình em gái 8 tuổi Giang Thị Cau là một trong số 300 gia đình ở tỉnh Điện Biên gần đây khi được nhiều người phỏng vấn đã có ý kiến phản hồi về một kế hoạch hỗ trợ tài chính của chính phủ với mục tiêu đảm bảo trẻ em các gia đình dân tộc thiểu số nghèo không phải bỏ học. © UNICEF/Việt Nam/2012/Bisin
Cuối buổi học, em gái 8 tuổi Giang Thi Cau tự hào trình diễn một điệu múa truyền thống trước bạn bè. Em là người dân tộc Mông - một trong các nhóm dân tộc thiểu số đông dân ở tỉnh Điện Biên nằm ở miền bắc VIệt Nam nơi có tất cả 19 nhóm dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ, văn hóa và phong tục tập quán riêng. Trường của Cau nằm ở tỉnh Điện Biên trên một thung lũng đẹp thơ mộng nhưng xa xôi hẻo lánh bao quanh bởi núi non hùng vĩ.


Bà Trần Thị Hien, hiệu trưởng cho biết: “Tôi rất tự hào vì giờ đây em Cau đã chính thức trở thành học sinh của trường. Trước đây, nhiều em gái không được đi học do cha mẹ giữ các em ở nhà để trông em và chăn nuôi gia súc. Trường hợp của em Cau cũng thế. Các thầy cô giáo ở trường đã tới thăm các gia đình đó để thuyết phục họ cho các em gái đi họcl”.

Em Cau nhớ lại: “Trước đây, em sống trong một ngôi nhà khác ở xa trường học. Mỗi sáng, em cùng với anh họ phải rời nhà từ khoảng 6.30 và đến 8 giờ chúng em mới tới trường. Em mệt mỏi và đau chân. Thỉnh thoảng, em quyết định không đi học vì trường xa quá. Cha mẹ em cũng không có ý kiến gì”.

Nằm ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam, Điện Biên là một trong những tỉnh nghèo nhất. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là mặc dù đã được đầu tư nhiều hơn nhưng chất lượng giáo dục vẫn còn thấp và đầu tư cho giáo dục còn nghèo nàn. Quá trình từ lúc đầu tư đến khi kết quả được cải thiện còn gặp nhiều khó khăn thách thức. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi tiểu học đăng ký nhập học của tỉnh là 89/100 trong khi tỷ lệ trên toàn quốc là 95/100 và khi nói đến tỷ lệ được đi học thì các em gái thiệt thòi hơn các em trai rất nhiều.

Khi Cau đi học về đến nhà thì cha em và ba anh chị em đang nấu bữa tối vì mẹ Cau còn đang làm việc ngoài đồng. Vào tháng 12 năm 2011 và tháng 1 năm 2012, gia đình em Cau là một trong số 300 hộ gia đình ở tỉnh Điện Biên đã có ý kiến phản hồi với một nhóm người đến phỏng vấn về chương trình hỗ trợ tài chính của chính phủ năm 2007 với mục tiêu đảm bảo cho trẻ em các gia đình dân tộc thiểu số nghèo không phải bỏ học. Nhờ chương trình này mà phụ huynh của 250 trong tổng số 405 học sinh ở trường tiểu học Huoi Leng hàng tháng đã nhận được trợ cấp 140.000 đồng (tương đương 7 đô la Mỹ).

Số lượng các dịch vụ xã hội tăng lên và chất lượng cũng tăng – vai trò của Phương pháp Kiểm toán Xã hội


Để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách cấp trung ương và cấp tỉnh đánh giá được chính xác hơn tác động của chương trình hỗ trợ tài chính – còn gọi là chương trình D112 – tới cuộc sống của những người được hưởng lợi, UNICEF Việt Nam đã tích cực hoạt động để khuyến khích sử dụng Phương pháp Kiểm toán Xã hội. Phương pháp này có thể cung cấp thông tin về chất lượng các dịch vụ xã hội cũng như mức chi tiêu cho các dịch vụ xã hội và tập trung tạo ra thông tin thông qua thu thập ý kiến phản hồi của người dân. Một trong những công cụ của phương pháp này là Điều tra Theo dõi Chi phí Công (PETS), được sử dụng để đánh giá mức độ hiệu quả của chương trình D112 ở hai huyện thuộc tỉnh Điện Biên.

PETS là một công cụ dùng để theo dõi tỷ lệ các nguồn ngân sách nhà nước đến được các nhóm mục tiêu dự kiến. Ở Điện Biên, công cụ này được thiết kế để xác định mức độ nhận thức và quan điểm của các gia đình về chất lượng và mức độ phù hợp của các dịch vụ người dân được hưởng, đồng thời cũng thu thập thông tin phản hồi từ đại diện của trường học và chính quyền tỉnh về các thách thức và cơ hội khi họ cung cấp các dịch vụ đó.

Anh Giang A Linh – 33 tuổi, cha em Cầu cho biết: “Khi được phỏng vấn, khó khăn lớn nhất mà chúng tôi nói tới là các thủ tục phức tạp để chứng minh là bạn đủ tiêu chuẩn để được hỗ trợ vì phần lớn chúng tôi đều sống tại các vùng xa xôi hẻo lánh và chúng tôi phải đến trung tâm thành phố để sao chụp các giấy chứng nhận mà đôi khi phải mất hàng giờ mới đến được nơi gần nhất”.


Em Giang Thi Cau – 8 tuổi, cha em, anh Giang A Linh cùng 3 anh chị em của em ở nhà tại xã Huoi Leng, tỉnh Điện Biên. © UNICEF/Việt Nam/2012/Bisin

Thông tin phản hồi từ các gia đình như gia đình em Cau cho thấy cơ hội tương tác với nhà nước để cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động của các chương trình như chương trình hỗ trợ tài chính được đánh giá cao đến mức nào.

Anh Linh cho biết thêm: “Đây là lần đầu chúng tôi có cơ hội chia sẻ ý kiến của mình về một chương trình của chính phủ. Tôi rất vui khi có cơ hôi đó. Chẳng hạn, tôi thấy chương trình cần tăng thêm số lượng các gia đình được hưởng lợi vì tôi thấy còn nhiều hàng xóm của tôi chưa đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ chương trình và họ thực sự đang rất khó khăn, phải vật lộn với cuộc sống mới đủ tiền cho con em đi học. Hỏi ý kiến những người hưởng lợi về các dịch vụ họ được hưởng là một việc nên làm. Điều đó tốt cho chính phủ, tốt cho bản thân người dân và nhất là tốt cho con cái chúng ta. Đối với các dịch vụ khác cũng nên làm như thế”. 

Sử dụng tối đa ý kiến phản hồi của người dân để phục vụ công tác hoạch định chính sách

Bà Phan Thi Hoa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Điện Biên là cơ quan điều phối thực hiện chương trình hỗ trợ tài chính cùng với UNICEF cho biết: “Đây là lần đầu tiên có cơ chế như vậy để thu thập các ý kiến sâu rộng của người dân về công tác thực hiện chương trình. Chúng ta chưa bao giờ có nhiều cơ hội để trò chuyện với người hưởng lợi ở cộng đồng. Điều tra này thực sự đã cho phép chúng tôi lắng nghe ý kiến của chính người dân. Chúng ta sẽ sớm biết được lợi ích là gì nhưng cũng biết được nhược điểm của chương trình để chúng ta có thể tiếp tục xây dựng dựa vào các thông tin phản hồi nhận được và có điều chỉnh trong tương lai.”

Ông Samman J. Thapa, Chuyên gia về Chính sách Xã hội của UNICEF Việt Nam cho biết: “Các nhà hoạch định chính sách rất  tha thiết muốn được lắng nghe và cam kết lắng nghe ý kiến của người dân ngay cả ở phạm vi cấp tỉnh. Chỉ có điều trước đây họ thiếu các công cụ phù hợp cho phép họ thực hiện điều đó một cách chặt chẽ. Các công cụ Kiểm toán Xã hội như Điều tra Theo dõi Chi tiêu Công cung cấp cho họ rất nhiều phương pháp khoa học để thu thập thông tin chính xác về ý kiến của người dân về các dịch vụ họ được hưởng: Đây chính là nét độc đáo của phương pháp này. Mục tiêu là tạo ra thông tin giúp chính phủ ra được các quyết định tốt hơn chứ không chỉ đơn thuần là tìm ra các nhược điểm”.

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng và cũng đạt được kết quả bền vững để hướng tới hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Tuy nhiên, để đạt được kết quả công bằng cho trẻ em thì vấn đề không chỉ là đặt ra các mục tiêu chính sách, kế hoạch và chiến lược mà điều quan trọng là quá tình thực hiện các mục tiêu đó như thế nào. Tăng cường sự tham gia vào xây dựng và đánh giá các chính sách và chương trình quan trọng cũng như nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ cho các đối tượng thiệt thòi nhất là điều hết sức quan trọng. Với PETS và Phương pháp Kiểm toán Xã hội, mục tiêu của UNICEF là hỗ trợ chính phủ VIệt Nam hoàn thành các mục tiêu đó và đạt được mục tiêu quyền trẻ em và công bằng.  

Tác giả: Sandra Bisin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét