Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Giáo dục song ngữ mở ra hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn


Cô bé 7 tuổi Lô Thị Ghềnh chăm chú lắng nghe cô giáo giảng bài ở Trường Tiểu học Lao Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, ở miền bắc Việt Nam. Ảnh: UNICEF/2011/Việt Nam/Tattersall
Cô bé 7 tuổi Lô Thị Ghềnh háo lức lắng nghe cô giáo giảng bài ở Trường Tiểu học Lao Chải, huyện Sa Pa, nằm ở phía bắc Việt Nam. Em càng chăm chú hơn vì em đang học bằng tiếng mẹ đẻ: đó là tiếng Mông. Đây là một hoạt động trong mô hình giáo dục song ngữ sử dụng tiếng mẹ đẻ làm ngôn ngữ chính do UNICEF hỗ trợ.

Nơi đây, giữa những ruộng lúa hình bậc thang và những ngọn núi mờ sương, 85% người Mông sống dưới mức nghèo khổ. Chất lượng giáo dục thấp kém và tỷ lệ suy dinh dưỡng cao. Một số vấn đề lớn mà cộng đồng đang phải đối mặt là thiếu nước và điều kiện vệ sinh, thiếu dịch vụ y tế và giáo dục.

H’mông là một trong 53 nhóm dân tộc thiểu số của Việt Nam. UNICEF hiện đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ hoạt động giáo dục song ngữ cho 15 trường ở ba tỉnh của Việt Nam với mong muốn tiếp tục nhân rộng mô hình. Cô bé học sinh lớp 2 Lô Thị Ghềnh là một trong những học sinh đầu tiên được học bằng tiếng mẹ đẻ ngay từ mẫu giáo. Thầy giáo của em, Thầy Châu A Tàu, đang chứng kiến những thành quả quan trọng dành cho trẻ em dân tộc thiểu số thông qua phương pháp giáo dục song ngữ.

Tạo điều kiện khuyến khích tham gia

Thầy Châu A Tàu cho biết: “Tình hình hiện nay của các em đã tốt hơn trước rất nhiều rồi. Các em tự tin hơn, nhiệt tình hơn và sẵn sàng phát biểu ý kiến. Giảng dạy bằng tiếng Mông được hai năm, tôi thấy một mặt kỹ năng của các em ở trường đã tốt hơn. Mặt khác, các em có thể đem kiến thức học được ở trường về áp dụng ở nhà. Các em tiếp tục giao tiếp và chia sẻ kinh nghiệm với gia đình và cộng đồng mình”.

Ở Việt Nam, các trường học chỉ dạy học sinh bằng tiếng Việt, tạo ra các rào cản ngôn ngữ sâu sắc đối với trẻ em các dân tộc thiểu số vì ở nhà chỉ nói tiếng mẹ đẻ. Các em không hiểu bài, không tham gia được vào bài học, chóng chán và thường dẫn tới bỏ học. Trong khi tình hình ở các vùng miền khác thì ngược lại. Trẻ được hưởng những điều kiện tốt, nhất là được hưởng nền giáo dục chất lượng cao.



Cô Lý Thị Hoa đang dạy toán cho các học sinh lớp 1 ở Trường Tiểu học Lao Chải. Ảnh: UNICEF/2011/Việt Nam/Tattersall
Tại một lớp học khác, cô Lý Thị Hoa đang dạy toán cho các học sinh lớp 1. Cô Hoa mặc một chiếc váy truyền thống có họa tiết cầu kỳ của người H’mông. Cô đang dạy các em các phép cộng cơ bản và yêu cầu các em tự làm toán. Học sinh chăm chú lắng nghe và làm theo lời cô giáo. Hôm nay, các em thực sự tiến bộ hơn rất nhiều và tích cực tham gia xây dựng bài. Các em thật thoải mái và tự tin khi đọc to câu trả lời của mình. Cô nhận xét: “Các học sinh của tôi giờ đã hiểu bài hơn trước rất nhiều. Tình cảm thầy trò cũng khăng khít hơn trước". Học sinh lớp co Hoa là các học sinh lứa thứ hai ở Trường Tiểu học Lao Chải được dạy học bằng tiếng mẹ đẻ ngay từ mẫu giáo.







Cô Hoa mặc bộ váy truyền thống với họa tiết cầu kỳ của người H’Mông đang dạy toán cho các em học sinh. Ảnh: UNICEF/2010/Việt Nam/Tattersall
Bà Mitsue Uemura, Trưởng Chương trình Giáo dục UNICEF Việt Nam cho biết: “Giáo dục song ngữ sử dụng tiếng mẹ đẻ làm ngôn ngữ chính đã được quốc tế chứng minh là phương pháp hỗ trợ cho giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số. Dạy học sinh người dân tộc thiểu số học bằng tiếng mẹ đẻ của họ trước sẽ tăng khả năng tiếp cận và công bằng hơn, cải thiện kết quả học tập, giảm tỷ lệ lưu ban và bỏ học, nâng cao lợi ích văn hóa xã hội và giảm tổng chi phí”. Dùng tiếng địa phương cũng đảm bảo kiến thức mà các em mang đến trường được dùng làm cơ sở để học tiếp lên cao, vì thế khắc phục được sự bất bình đẳng đang tồn tại và ngày càng tăng ở Việt Nam.

Trong năm 2011 và 2012, UNICEF sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận với những nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam để thúc đẩy nhân rộng phương pháp này ra các tỉnh đã triển khai chương trình giáo dục song ngữ với nhiều trường lớp nữa. Thực tế, ở Lào Cai, số lớp mẫu giáo áp dụng mô hình này đã tăng từ 5 lớp lên 12 lớp trong năm học 2010–2011.

Tác giả: Martha Tattersall

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét