Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

UNICEF tập trung vào các hoạt động phòng chống đuối nước trẻ em và phòng dịch trong mùa lũ lụt ở Việt Nam

Một ông bố và hai con trai đứng nhìn những gì còn sót lại trong ngôi nhà của mình ở tỉnh An Giang. Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong cao nhất cho trẻ em trong bão lụt. – UNICEF/Việt Nam/2011/Lý Phát Việt Linh
Trong vài tuần qua, mực nước Sông Cửu Long ở Việt Nam đã tăng lên đến mức kỷ lục phá hủy hàng ngàn ngôi nhà và làm đảo lộn cuộc sống của người dân, nhất là trẻ em. Giống như hai nước láng giềng Cam-pu-chia và Thái Lan, những dải đất rộng lớn ở miền Nam và miền Trung Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ liên tiếp trong những ngày qua.

Cho đến thời điểm này, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng 49 người, trong đó có 43 trẻ em. Khoảng 700.000 người chịu ảnh hưởng ở miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khoảng 163.800 ngôi nhà bị ảnh hưởng và 25.000 héc-ta đất trồng lúa bị ngập úng mà nước lại rút rất chậm. Dự báo đến cuối tháng 10 lũ lụt sẽ còn tiếp tục xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long và có thể lại khiến mực nước ở tất cả các sông dâng cao hơn nữa.

Ông Hồ Viêt Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - một trong các tỉnh phía nam Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt nhận xét: “Năm nay nước lũ đã lên đến mức kỷ lục của năm 2000 lịch sử. Dù người dân nơi đây đã quen với nước lũ và họ luôn sẵn sàng chuẩn bị tinh thần ứng phó với thiên tai bất kỳ lúc nào, song càng ngày càng khó dự báo trước được tình hình thời tiết và chúng ta đã chứng kiến số cơn lốc xoáy ngày càng tăng”.

Ở An Giang, khoảng 19.000 ngôi nhà đã chìm trong biển nước và hơn một ngàn gia đình đã phải đi sơ tán. Lở đất xuất hiện trên diện rộng. Hơn 6.700 học sinh bị ảnh hưởng do 60 ngôi trường ngập chìm trong nước lũ và đã hơn một tháng nay, hơn 1.300 học sinh không được đến trường.


Tử vong ở trẻ em lên đến mức báo động

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, chuyên gia về bảo vệ trẻ em thuộc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh An Giang nhận xét: “Trong các trường hợp cứu trợ khẩn cấp, trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ là những người dễ gặp nguy hiểm nhất. Các em sống trong các ngôi nhà xung quanh toàn nước và nếu cha mẹ chỉ lơ là một giây thôi là các em có thể ngã xuống nước ngay. Dòng nước hiện chảy rất xiết nên chỉ sau vài phút là có thể cuốn trẻ ra xa hàng ki-lô-mét”.

Với con số trẻ em tử vong hầu hết là do đuối nước lên đến mức báo động trong các trận lũ lụt ở sông Cửu Long, UNICEF kêu gọi hành động vì sự an toàn cho trẻ.


Nhu cầu cấp bách nhất đối với trẻ em là nước sạch và thiết bị vệ sinh để phòng lây lan dịch bệnh– UNICEF/Việt Nam/2011/Lý Phát Việt Linh

Ông Jean Dupraz, phó đại diện UNICEF Việt Nam cho biết: “Truyền thông về đuối nước trẻ em là rất quan trọng để các bậc phụ huynh hiểu được những nguy cơ hàng ngày con em họ có thể gặp phải”. UNICEF đã hỗ trợ kịp thời cho các tỉnh ở miền Nam và miền Trung Việt Nam, tiến hành các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và cung cấp các vật dụng phòng chống đuối nước gồm có 2.000 túi phao; 1.200 áo phao; 8 thuyền và 500 phao cứu sinh cho học sinh cũng như nhiều đồ dùng học tập khác như sách giáo khoa và vở viết cho các tỉnh bị ảnh hưởng.

Ông Jean Dupraz còn cho biết: “Vừa phải hạn chế tới mức tối đa thời gian gián đoạn học tập của học sinh đồng thời phải giữ gìn sức khỏe cho các em trong thời gian bão lụt và sau khi hết bão lụt, đặc biệt lưu ý tới các bệnh lây truyền qua đường nước và điều kiện vệ sinh không đảm bảo an toàn.

Đề phòng dịch bệnh lây lan


Bà mẹ tên Nhan và hai anh em ruột Khang và Khải trên chiếc thuyền gỗ trở về căn nhà ngập lụt. – UNICEF/Việt Nam/2011/Trần Phương Anh
Trong khi nhiều gia đình hiện đang ở tạm tại các trung tâm sơ tán, chạy trốn dòng nước đang dâng cao thì một số lại chọn ở lại, sống ở các tầng cao trong nhà mình hay ở bất kỳ nơi nào còn khô ráo gần nhà.

Hai anh em ruột Hoàng Vy Khải, 11 tuổi và Hoàng Vy Khang, 13 tuổi đang ngồi xổm bên con đường lầy lội trong xã.

Bà mẹ chỉ vào căn nhà tranh nước ngập tới phân nửa nói: “Đây là nhà chúng tôi. Nhà chúng tôi ngập đã ba tuần rồi và chẳng hy vọng gì vài ba tuần nữa nước sẽ rút được. Chúng tôi không chạy được nhiều đồ. Giờ đây chúng tôi chỉ trông mong vào cứu trợ của nhà nước và các tổ chức khác”. Cả Khang và Khải hiện đã nghỉ học vì cha mẹ không đủ khả năng nuôi hai anh em ăn học. Bà mẹ ở nhà vì không còn đủ sức lao động còn người cha thả lưới dọc bờ sông kiếm con cá nhỏ đủ cho gia đình sống qua ngày.

Lúc bão lụt và sau khi nước rút, nhu cầu cấp bách nhất của trẻ em là nước sạch và thiết bị vệ sinh để phòng dịch bệnh lây lan như tiêu chảy và sốt xuất huyết. Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tính đến thời điểm này, UNICEF Việt Nam đã cấp khoảng 800.000 viên lọc nước; 900 kg Chloramin B; 14.000 bánh xà phòng; 2.000 can nhựa đựng nước; và 2.000 máy lọc nước đáp ứng nhu cầu của khoảng 72.000 người dân trong vòng 15 ngày.


Tác giả: Trần Phương Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét