Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Chương trình do UNICEF hỗ trợ mở ra hy vọng cho trẻ suy dinh dưỡng nặng ở Việt Nam


Bé A-Thâu năm nay 2 tuổi. Em sống cùng gia đình trong căn nhà đơn sơ tại một ngôi làng hẻo lánh ở Kon Tum, một tỉnh cao nguyên ở Việt Nam. Ảnh: UNICEF Việt Nam\2011\Nguyễn Thị Thanh Hương

Là con út trong gia đình có 6 anh chị em, A-Thâu được các anh chị lớn trông nom và chăm sóc cả ngày. Bố mẹ em tất bật với việc đồng áng nên không có nhiều thời gian để chăm sóc em. Sinh thiếu cân và ăn uống thiếu chất nên A-Thâu gầy yếu và ốm đau liên mien. Khi bố mẹ đưa em đến bệnh viện huyện thì em đang bị sốt cao và khó thở. Các bác sỹ chẩn đoán em bị viêm phổi và suy dinh dưỡng cấp.

Cái vòng luẩn quẩn

Suy dinh dưỡng đe dọa nghiêm trọng sự sống còn và phát triển của trẻ. Thế nhưng nhiều ông bố bà mẹ ở Kon Tum chỉ đưa con đi khám khi các cháu bị bệnh nặng.

Bố A-Thâu bộc bạch: "Con trai tôi từ khi đẻ ra đã rất nhỏ nên tôi cứ nghĩ cháu như thế là bình thường. Tôi nghĩ trước sau gì cháu cũng lớn thôi, giống như các anh chị em của nó vậy. Tôi không biết là người ta có thể chết vì suy dinh dưỡng".

Trẻ suy dinh dưỡng cấp có sức đề kháng thấp hơn và nguy cơ tử vong do mắc các bệnh thông thường khác cũng cao hơn như bệnh tiêu chảy và nhiễm viêm đường hô hấp. Hay ốm đau và lâu hồi phục làm suy kiệt tình trạng dinh dưỡng của trẻ bị suy dinh dưỡng cấp và đẩy các em vào vòng luẩn quẩn đau ốm liên miên, bệnh tật tái phát, tăng trưởng kém và còi cọc.

Điều trị xong viêm phổi, A-Thâu được chuyển sang Khoa Nhi để điều trị suy dinh dưỡng cấp. Ở Khoa Nhi em được cấp sữa chuyên điều trị suy dinh dưỡng, còn gọi là F75 và F100. Sau hai tuần điều trị, A-Thâu đã tăng cân đáng kể và và sức khỏe của em cũng khá hơn, em được xuất viện. Sau khi xuất viện, A-Thâu được tiếp tục tiều trị tại nhà bằng thực phẩm chức năng trị bệnh. Đây là loại thực phẩm ăn liền được sản xuất trong nước gọi là tắt là HEBI. A-Thâu đã điều trị tại nhà được hơn 1 tuần và hiện đang trên đà hồi phục hoàn toàn.

Quản lý và phòng tránh

A-Thâu là một trong số các em đầu tiên được hưởng lợi từ Chương trình Quản lý phòng chống Suy dinh dưỡng cấp do UNICEF hỗ trợ ở Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ được nhiều trẻ em suy dinh dưỡng cấp hơn thông qua kết hợp quản lý ở cả hai cấp cơ sở y tế và tại cộng đồng. UNICEF giúp củng cố các cơ sở y tế để giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng cấp thông qua tập huấn cho nhân viên y tế về phát hiện cũng như theo dõi và điều trị.
Ở cấp cộng đồng, chương trình tập trung vào phòng tránh cũng như phát hiện và giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng cấp trước khi có triệu chứng cần điều trị nội trú. Các nhân viên y tế cũng tổ chức các buổi trình diễn cách nấu ăn để dạy cho những người chăm sóc trẻ cách nấu các món ăn bổ dưỡng cho trẻ nhỏ sử dụng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Nâng cao nhận thức trong cộng đồng cũng là hoạt động cần thiết để giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng tại các địa phương bị ảnh hưởng.

UNICEF cũng hỗ trợ Chính phủ thực hiện nghiên cứu và sản xuất thực phẩm ăn liền dùng để chữa bệnh trong cộng đồng. Ở Việt Nam thực phẩm này có tên là HEBI, là thức ăn chữa bệnh dạng mềm, xốp và dễ ăn đối với trẻ em vì không cần chế biến.

Ông Roger Mathisen, Chuyên gia Dinh dưỡng của UNICEF cho biết: "Các bằng chứng mới thu thập được trên toàn cầu cho thấy có rất nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp có thể điều trị được ngay tại cộng đồng và quan trọng là phải có sẵn thực phẩm trị bệnh ăn liền để điều trị cho bệnh nhân ngoại trú. Bằng cách hỗ trợ Việt Nam tự sản xuất thực phẩm ăn liền để chữa bệnh, chúng tôi hy vọng đảm bảo đủ nguồn cung và nâng cao tính bền vững của chương trình".

Con đường phía trước

Hạn chế suy dinh dưỡng vẫn là mục tiêu được ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của ngành y tế cộng đồng ở Việt Nam. Dự kiến chương trình sẽ hỗ trợ Chính phủ việt Nam nâng cao năng lực cho địa phương và cải thiện hệ thống Quản lý suy dinh dưỡng cấp. Sau giai đoạn thử nghiệm, dự kiến sẽ nhân rộng chương trình trên phạm vi toàn quốc và sẽ đưa vào Chương trình Bảo hiểm y tế Quốc gia các dịch vụ và các sản phẩm của chương trình để phát hiện, điều trị và theo dõi suy dinh dưỡng cấp cũng như các cơ chế hỗ trợ tài chính tương tự khác cho ngành y tế.

Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét