Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nước trong giáo dục song ngữ

Nhằm giúp trẻ em vượt qua rào cản về ngôn ngữ, với sự hỗ trợ của UNICEF, từ năm 2008 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành Nghiên cứu hành động về giáo dục song ngữ tại ba tỉnh: Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh với các ngôn ngữ của dân tộc H’Mông, Jrai và Khơ-me. (c) UNICEF Việt Nam\2011\Trương Việt Hùng
Học sinh lớp hai trường tiểu học Lao Chải ngồi thành vòng tròn trên sân trường trước lớp học của mình. Các em đang học môn Khoa học tự nhiên và thấy rất thoải mái khi không phải ngồi học trong lớp. Cô giáo đã chuẩn bị sẵn một số cây và cành lá để trên bàn. Khi cô chỉ vào bất cứ một loại cây hay cành lá nào thì các em tranh nhau nói cho cô biết tên của loài cây này và công dụng của nó. Sau khi thảo luận sôi nổi về các loài cây, các em chia thành từng nhóm nhỏ. Cô giáo phát cho mỗi nhóm một con thú đồ chơi do các cô tự làm. Các học sinh lại hăng say bàn luận về con thú của nhóm mình: con vịt, con chó, con hổ hoặc con voi. Không giống như các bạn cùng trang lứa khác, các em không học bằng tiếng Việt. Các em học bằng tiếng mẹ đẻ của mình – tiếng  H’mông.


Lao Chải là một xã nghèo thuộc tỉnh Lào Cai. Phần lớn người dân nơi đây là người H’mông, và tiêng H’mông được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày. Tuy nhiên, ở trường trẻ em lại phải học bằng Tiếng Việt vì đây là ngôn ngữ chính thức sử dụng trong nhà trường và điều này đã gây nhiều khó khăn cho trẻ em dân tộc H’mông.  Nhiều em không hiểu hết bài giảng của giáo viên và không thể tham gia một cách đầy đủ vào các hoạt động ở nhà trường. Vì vậy, phần lớn các em dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc H’mông nói riêng có kết quả học tập yếu kém. Trong khi tỉ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học ở dân tộc Kinh là 86%, tỉ lệ này ở dân tộc thiểu số chỉ chiếm 61%.

Nghiên cứu hành động về giáo dục song ngữ bằng tiếng mẹ đẻ tại Việt Nam

Nhằm giúp trẻ em vượt qua rào cản về ngôn ngữ, với sự hỗ trợ của UNICEF, từ năm 2008 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành Nghiên cứu hành động về giáo dục song ngữ tại ba tỉnh: Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh với các ngôn ngữ của dân tộc H’Mông, Jrai và Khơ-me. Dự án đã đưa ra một lộ trình để trẻ em có thể chuyển dần từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng Việt, và từ lớp 5 trở lên, các em có thể thông thạo cả hai thứ tiếng ở mức có thể tự tin học bằng tiếng Việt.

Sau hai năm thực hiện, dự án đã cho thấy sự tiến bộ đáng kể trong kết quả học tập của học sinh. Học sinh tại các lớp tham gia chương trình nghiên cứu đạt kết quả cao hơn các học sinh sinh học tại các lớp thường ở các môn ngôn ngữ và toán học.


Nghiên cứu hành động về giáo dục song ngữ ở Việt Nam:
  • Từ mẫu giáo đến lớp 2: Tiếng mẹ đẻ được sử dụng làm ngôn ngữ chính trong giảng dạy, tiếng Việt được dạy như một môn học
  • Từ lớp 3 đến lớp 5: Tiếng Việt được đưa vào dần dần cùng với tiếng mẹ đẻ làm ngôn ngữ giảng dạy
  • Lớp 5 trở lên: Học sinh thông thạo cả hai thứ tiếng và đã vượt qua rào cản về ngôn ngữ


Chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục song ngữ

Tương tự như Việt Nam, Trung Quốc va Malaysia cũng có nhiều dân tộc cùng sinh sống, và hai nước này cũng áp dụng dạy song ngữ cho các nhóm dân tộc thiểu số. Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục song ngữ tại các nước này, Trung Quốc và Malaysia đã cử  một đoàn đại biểu bao gồm các lãnh đạo thuộc Bộ Giáo dục của hai nước đến thăm và làm việc tại Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong Nghiên cứu này. Sau hàng loạt các cuộc họp với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, đoàn đã đi thăm xã Lao Chải thuộc tỉnh Lào Cai để học hỏi kinh nghiệm thực tế về giáo dục song ngữ tại đây.

Các thành viên trong đoàn đã có cơ hội thăm các lớp học song ngữ và lớp học bình thường ở cả trường tiểu học lẫn trường mẫu giáo ở Lao Chải và đã có các cuộc tiếp xúc, chuyện trò với giáo viên, học sinh và phụ huynh của trường.

“Theo tôi  quan sát, trẻ em ở các lớp song ngữ tham gia vào bài học rất tích cực. Các em rất thích thú và tự tin khi phát biểu trước lớp. Các em hăm hở chia sẻ với các bạn về những điều các em học được”, bà Naimah Binti Ishak, một cán bộ cấp cao của Bộ Giáo dục Malaysia phát biểu

Công việc đào tạo giáo viên là một phần quan trọng của dự án. Nhiều giáo viên mẫu giáo và tiểu học, các cán bộ giáo dục ở Lao Chải đã được tập huấn về phương pháp giảng dạy dựa trên tiếng mẹ đẻ và phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Các giáo viên còn được tập huấn về cách tự làm đồ dùng giảng dạy có sử dụng các nguyên liệu có sẵn tại địa phương.

 “Chúng tôi thấy rằng các thầy cô giáo đã chuẩn bị tốt cho bài giảng của mình. Điều này thể hiện rất rõ bằng các đồ dùng giảng dạy mà các thày cô sử dụng trong lớp học”, bà Ishak quan sát. “Nếu chúng ta muốn có học sinh giỏi thì chúng ta phải có giáo viên giỏi và chúng tôi có thể nói rằng giáo viên ở Lao chải là những giáo viên giỏi”

“Tôi rất ấn tượng với phương pháp giảng dạy tích cực mà các thày cô giáo sử dụng trên lớp học. Các thày cô giáo thể hiện sự tôn trọng đối với học sinh. Điều này đã giúp các em tự tin hơn và tham gia tích cự hơn vào quá trình học tập”, ông Tang Jingwei , Vụ trưởng Vụ Giáo viên của  Bộ Giáo dục Trung Quốc phát biểu. “Tôi rất vui khi biết rằng UNICEF Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ cho việc đào tạo giáo viên và nâng cao kỹ năng cũng như phương pháp giảng dạy. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, điều nay rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ tiếng mẹ đẻ sang ngôn ngữ chính”

Sự tham gia của cộng đồng cũng được đánh giá là một yếu tố quan trọng của dự án này. Cùng với các chuyên gia giáo dục, người dân địa phương cũng tham gia tích cự vào việc xây dựng các giáo trình và tài liệu giảng dạy. “Giáo trình rất phù hợp với trẻ em ở đây vì người dân địa phương trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng tài liệu. Chúng tôi còn mời phụ huynh và nghệ nhân tại địa phương tham gia giảng dạy một số môn liên quan đến văn hóa bản địa cho học sinh”, cô Trần Thị Thoa, Hiệu trưởng trường tiểu học Lao Chải cho biết.

 “Qua đối thoại với cha mẹ học sinh, chúng tôi thấy rằng họ rất quan tâm đến việc học hành của con cái. Họ muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cái mình”, bà Ishak nói.

Cán bộ lãnh đạo các cấp đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục song ngữ. Đoàn đại biểu đã có một cuộc họp rất bổ ích với bà Bùi Kim Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai và ông Trương Kim Minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai. “Tôi đặc biệt ấn tượng với sự hỗ trợ và cam kết của các cán bộ lãnh đạo, các thày cô giáo và người dân ở tỉnh Lào Cai trong việc nhân rộng mô hình này”, Ông Victor Prasad Karunan , Phó Đại diện UNICEF Malaysia phát biểu.

“Thiết kế của dự án rất sát với tình hình thực tế và phù hợp với nhu cầu của học sinh dân tộc thiểu số. Thông qua chuyến thăm và quan sát của chúng tôi, tôi nghĩ dự án này không chỉ tập trung vào giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ mà nó còn có ý nghĩa nhiều hơn thế. Dự án giúp thay đổi cách suy nghĩ của mọi người, tôn trọng và củng cố văn hóa bản địa và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”, ông Tang nói.

Thiết lập quan hệ đối tác về giáo dục song ngữ

Chuyến thăm và làm việc đã tạo ra một cơ hội lớn cho ba nước học hỏi lẫn nhau về giáo dục song ngữ. “Đây là một cơ hội học tập quý báu đối với chúng tôi. Cho dù vẫn còn nhiều thách thức trước mắt, đây là một bước tiến dài và đáng khích lệ cho cả Chính phủ Việt Nam và UNICEF mà qua đó Malaysia và nhiều nước khác trong khu vực có thể học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Các đồng nghiệp của tôi ở Bộ Giáo dục Malaysia cùng chung quan điểm với tôi và mong muốn tìm cách để giới thiệu phương pháp tiếp cận của Nghiên cứu này vào Malaysia – đặc biệt cho nhóm dân tộc thiểu số”, ông Karuman phát biểu

Thông qua việc hỗ trợ chuyến thăm này, UNICEF mong muốn Việt Nam, Trung Quốc và Malaysia có thể thiết lập một cơ chế để trao đổi thông tin và kinh nghiệm cũng như đóng góp vào việc xây dựng một hệ thống giáo dục song ngữ trong khu vực. “Cho đến nay, Nghiên cứu này đã cho thấy các kết quả đáng khích lệ và chúng tôi mong chờ đến ngày tiến hành đánh giá toàn diện khi kết thúc dự án vào năm 2015. Cảm ơn UNICEF đã hỗ trợ Nghiên cứu này và giúp kết nối Việt Nam, Trung Quốc và Malaysia  qua đó ba nước có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau”, ông Nguyễn Vĩnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam phát biểu

 “Qua các kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi biết rằng trẻ em có thể học tốt nhất thông qua tiếng mẹ đẻ. Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số là một phương pháp hiệu quả nhằm vượt qua những sự chênh lệch ngày càng tăng hiện này”, bà Lotta Sylwander, Đại diện UNICEF Việt Nam phát biểu. “Tôi rất vui mừng được biết rằng Nghiên cứu này đã giúp trẻ em dân tộc thiểu số đạt được những kết quả tốt hơn trong học tập. UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ việt Nam nhằm tăng cường chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, qua đó đảm bảo tất cả các trẻ em đều có được cơ hội giáo dục công bằng và có chất lượng ”

Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét