Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Chuyến thăm quan thực địa với Next Generation Việt Nam của UNICEF

Từ ngày 17-21 tháng 6 năm 2013, các đại diện của tổ chức Thế hệ mới (Next Gen) của Hoa Kỳ, một nhóm các nhà doanh nghiệp trẻ làm công việc vận động ủng hộ cho UNICEF Hoa Kỳ, đã đến thăm dự án của UNICEF tại TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp. Các thành viên của Next Gen Hoa Kỳ là những thanh niên đầy nhiệt huyết và có tầm ảnh hưởng rộng lớn (từ 18-35 tuổi), những người đã cam kết hỗ trợ sứ mệnh của UNICEF nhằm thực hiện đầy đủ quyền trẻ em thông qua các chương trình giáo dục và gây quỹ. Nicole Neal, một trong những vị khách đã chia sẻ với chúng tôi nhật ký của cô.




Bạn bè, gia đình và sau cùng là các nhà tài trợ thường hỏi tôi “Tại sao lại là UNICEF?”

Chuyến thăm của tôi tới Việt Nam cùng các bạn đồng nghiệp thuộc Ban Chỉ đạo Next Generation (Thế hệ mới - Next Gen) Mỹ của UNICEF đã tạo điều kiện cho chúng tôi biết được chính xác những đóng góp và nỗ lực gây quỹ của chúng tôi cho Dự án Việt Nam dung để làm gì. Đồng thời, chuyến đi cũng là một cơ hội đáng kinh ngạc giúp chúng tôi thấy được tận mắt những chương trình do UNICEF hỗ trợ, và những tác động mà các chương trình này mang lại trong việc cứu sống và bảo vệ trẻ em Việt Nam. Kể từ năm 1946, UNICEF đã đi đầu trong các nỗ lực sử dụng nguồn lực và ngân sách cho công cuộc thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Next Gen đã hỗ trợ UNICEF trong việc thiết lập một Hệ thống Bảo vệ Trẻ em hiệu quả hơn tại Việt Nam. Chuyến thăm quan thực địa này cho chúng ta thấy cách thức nguồn quỹ mà Next Gen gây dựng đã trực tiếp phục vụ mục tiêu đảm bảo KHÔNG trẻ em nào bị bỏ lại đằng sau; KHÔNG trẻ em nào bị bỏ sót do những thiếu hụt trong xã hội hoặc đói nghèo như thế nào. Đây chính là câu trả lời cho câu hỏi “tại sao lại là UNICEF?”
Bởi vì, tôi tin vào mục tiêu “SỐ KHÔNG”.

Sau đây là cảm nhận của tôi về sự cống hiến và những nỗ lực vận động mà UNICEF đã thay mặt cho trẻ em thực hiện cũng như những tác động mà UNICEF và Next Gen đã tạo ra và sẽ tiếp tục tạo ra cho toàn thể xã hội.

Đến với Việt Nam, một đất nước có dân cư đông đúc lên tới hơn 90 triệu người và tận mắt nhìn thấy những chiếc xe máy và xe ga lao vèo vèo trên đường phố Sài gòn, vượt qua cả chiếc xe cá mập đang chở chúng tôi, cho chúng tôi thấy rõ hình ảnh của một nền kinh tế đầy triển vọng và một nền văn hóa sôi động và nổi bật (vâng, những chiếc xe Vespa đó có thể chạy được!). Trong suốt chuyến thăm, chúng tôi nhận thấy rõ ràng những nỗ lực hiện đại hóa và những điều kiện thuận lợi mà Việt Nam đã tạo ra để kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, không phải tất cả 26 triệu trẻ em Việt Nam đều được hưởng lợi từ thành quả của sự phát triển này. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữa phụ nữ và nam giới, giữa các dân tộc khác nhau được thể hiện rất rõ ràng. Nắm được bối cảnh như vậy có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm ra “cách thức” thực hiện các chương trình, kể cả các chương trình nhân đạo và vận động chính sách. Mặc dù đã tự tìm hiểu những kiến thức và quy trình cần thiết, chúng tôi vẫn thấy thực sự không dễ để hiểu được chiều sâu những thách thức mà đất nước này đang phải đương đầu. Đó là lý do tại sao tôi tới đây. Tôi tin rằng chúng ta cần nhìn thấy tận mắt những khó khăn mà trẻ em bị xâm hại, bị xao nhãng và dễ bị tổn thương phải đối mặt. Chúng ta cần lắng nghe những câu chuyện của các em, chia sẻ những giọt nước mắt và giúp xây dựng một kế hoạch hành động. Chúng tôi đã có thể làm được điều này nhờ chuyến đi thực tế đầu tiên tới Trung tâm Bảo trợ Xã hội Thảo Đàn.


Mục tiêu của Trung tâm Thảo Đàn là tạo ra một nơi chốn đi về an toàn bình yên cho những trẻ em đường phố dễ bị tổn thương, những trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, mua bán, xâm hại và phạm tội. Chương trình này cũng dạy các em các kỹ năng sống quan trọng nhằm trang bị cho các em những phương pháp cần thiết để có thể sinh tồn trên đường phố Sài Gòn. Giáo dục, trao quyền và vận động chính sách cho những trẻ em này, những trẻ em có thể bị xã hội bỏ quên mà nhờ có Thảo Đàn mà các em đã thấy rõ cuộc sống có thể ra sao khi các em có những sự lựa chọn khác. Một khía cạnh thường không mấy khi được quan tâm tới là các em sẽ được đối xử thế nào khi liên quan đến hệ thống tư pháp, các em được đối xử như những thủ phạm hay như những nạn nhân? Chính điều này đã đưa chúng tôi đến với một buổi tập huấn của Công An…

Chúng tôi đã tham dự và tham gia một buổi tập huấn của các chiến sĩ công an nhằm cải thiện quy trình lấy lời khai nạn nhân và thẩm vấn bị cáo là trẻ em nhằm đảm bảo rằng bất cứ đứa trẻ nào phải liên quan tới hệ thống tư pháp đều có thể  chủ động và được bảo vệ trong quá trình làm việc với các nhà chức trách. Tôi có dịp chia sẻ những bài học kinh nghiệm của cha tôi, trước đây là một Cảnh sát trưởng, và chia sẻ rằng tạo dựng niềm tin vào luật pháp là cách tốt nhất để đảm bảo mọi trẻ em không tái phạm và giúp đảm bảo rằng trẻ em cảm thấy rằng luật pháp và những người thi hành luật có mặt là để bảo vệ các em. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy các Sỹ quan Công an rất cởi mở với các ý kiến góp ý, phản hồi. Khi lắng nghe câu chuyện của tôi, có cảm giác như thể một chiếc bóng đèn phát nổ và những người tham gia tập huấn chợt nhận ra rằng họ chính là những người đầu tiên tiếp xúc với trẻ khi các em phải ra pháp luật, đặc biệt là đối với những trẻ em dễ bị tổn thương nhất. “Do vậy, các anh/chị (Công An) chính là tác nhân quyết định việc các em có trở về đúng hướng trong cuộc sống hoặc các em có cảm thấy được bảo vệ không.” Khi một đứa trẻ không có gia đình chăm sóc thì ít nhất, các em cần được những người thực thi luật pháp chăm sóc.

Ngày thứ ba, càng đi vào Đồng bằng sông Cửu Long tới Đồng Tháp, một tỉnh Nam Bộ, chúng tôi nhận thấy rõ ràng hơn nhu cầu bức thiết cần sự hỗ trợ cho nông thôn Việt Nam. Khi chúng tôi đi qua những chợ nhỏ ven đường và những cánh đồng lúa xanh rờn; đi liền với vẻ đẹp của tự nhiên là cảnh sắc tiêu điều. Xuyên suốt bao la những mảng màu tươi sáng và đậm nét là dòng sông đục ngầu và những chỗ nuôi cá. Khi nhìn kỹ hơn, bạn có thể thấy những thùng thiếc đứng trên những chiếc cọc gỗ trên sông. Tôi hỏi “Đó là cái gì đấy?.” Họ trả lời rằng đó là nhà vệ sinh; nhà vệ sinh trên sông; ngay sát nơi người ta đang đánh cá. Khi vào cộng đồng, chúng tôi tham gia một buổi “Kích hoạt về Nước sạch và Vệ sinh Môi trường” tại nơi mà các chương trình nước sạch và vệ sinh do UNICEF và Next Gen hỗ trợ đang được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của các gia đình để thúc đẩy thói quen đi vệ sinh sạch sẽ và nhu cầu phải có nhà vệ sinh riêng. Chương trình đã rất thành công trong khu vực này tới mức 80% hộ trong cộng đồng giờ đã có nhà vệ sinh ở nhà. Để xây một nhà vệ sinh hết $400 trong khi đó thu nhập bình quân năm của người dân nơi đây là $600, điều này khiến tôi có chút suy tư…



Tại Đồng Tháp, có biết bao câu chuyện cá nhân và những chi tiết phức tạp về những tranh đấu, mất mát và nhu cầu học tập cho cả trẻ em và gia đình. Chúng tôi biết được rằng nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở trẻ em trên 5 tuổi ở Việt Nam là đuối nước (thường xuyên xảy ra do biến đổi khí hậu và tình hình lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long). Đây là những tử vong hoàn toàn có thể tránh được bằng một giải pháp đơn giản là dạy bơi cho trẻ. Và đó chính là điều UNICEF đã làm, UNICEF đã tổ chức lớp học bơi để đảm bảo KHÔNG trẻ em nào phải chết chỉ vì các em không biết bơi. UNICEF đã dạy bơi cho 2.000 trẻ em và sau đó Chính phủ đã nhân rộng chương trình này và đã dạy bơi thêm cho 50.000 trẻ em khác tính từ khi chương trình của UNICEF được thực hiện.



Khi chúng tôi có buổi gặp gỡ với Ủy ban Nhân dân xã, đoàn gồm có Phó phòng Lao động, cán bộ bảo vệ trẻ em, đại diện hội phụ nữ và các thành phần khác, tôi rất vui mừng biết được rằng “Trẻ em dễ bị tổn thương cần thấy được những nỗ lực thực hiện ở cấp xã”.

Chúng tôi cùng họ xác định nhu cầu tập huấn thường xuyên về xâm hại, vệ sinh môi trường, quyền trẻ em và thăm các gia đình để đánh giá tình hình trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật và trẻ em dễ bị tổn thương. Chúng tôi chia sẻ về những khó khăn chúng tôi nghe được từ những người dân chúng tôi gặp trong suốt chuyến đi như lao động trẻ em, nhu cầu di cư sang các tỉnh khác để làm việc và những thách thức mà cán bộ công tác xã hội/cộng tác viên phải đối mặt (và nhu cầu cần có thêm cán bộ công tác xã hội) trong đánh giá nguy cơ và hỗ trợ, can thiệp thích hợp. UNICEF hiện đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xác định và thực hiện các giải pháp, cụ thể là duy trì các cuộc họp thường xuyên với Chính phủ để nắm bắt tình hình trẻ em và tìm hiểu biện pháp giải quyết các vấn đề, rà soát lộ trình, tăng cường tập huấn, đào tạo cán bộ công tác xã hội/cộng tác viên và củng cố nhu cầu nhân sự và hỗ trợ kỹ thuật cho các nguồn lực.

Thăm hộ gia đình có trẻ em nhiễm HIV và trẻ em khuyết tật cho thấy rõ ràng nhất là những lĩnh vực này cần nhiều sự quan tâm hơn. Chúng tôi đã hết sức xúc động trước những câu chuyện khó khăn về tài chính, bị xã hội coi thường và những thách thức mà nhóm trẻ này phải đối mặt. Nguyễn, một bé gái bị khuyết tật do hậu quả của chất độc màu da cam đã chia sẻ một câu chuyện rất xúc động, thổ lộ khao khát được đi học, được có những người bạn không sợ sệt và xa lánh mình, được học đàng hoàng và hi vọng một ngày mình sẽ trở thành bác sỹ, để “em có thể giúp những đứa trẻ như em và sẽ không có trẻ em nào phải chịu nỗi đau giống như em.” Được nghe những câu chuyện ấy, chúng tôi nguyện sẽ luôn tận tâm tận lực hỗ trợ nhằm tạo ra sự thay đổi trong những lĩnh vực này. Thăm từng người và cộng đồng và thấy được những tác động của chương trình mà Next Gen tài trợ và UNICEF thực hiện đã tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh cần thiết để thực hiện những nỗ lực hỗ trợ trẻ em trên khắp thế giới.
 
Khi đến với Bệnh viện Bạn hữu Trẻ em tại Đồng Tháp, tôi thực sự khâm phục những thành quả của UNICEF trong hoạt động tuyên truyền nâng cao tầm quan trọng của việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Tuyên truyền cho phụ nữ, các bà mẹ, mẹ chồng và nam giới trong cộng đồng về tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ và sau đó thấy những bà mẹ cho con bú khi đã thực sự hiểu được tầm quan trọng của nuôi con bằng sữa mẹ cho chúng tôi thấy được quyết tâm của những người mẹ, dù ở nơi đâu, hoàn cảnh nào, họ luôn mong muốn dành cho con mình những điều tốt nhất. Cách tiếp cận chuyên đề về Nuôi con bằng sữa mẹ có tác dụng tăng cường nhận thức cho cộng đồng rằng pha sữa bột với nước không sạch sẽ không mang tới cho trẻ nguồn dinh dưỡng thích hợp, tăng nguy cơ lây nhiễm và mắc bệnh ở trẻ sơ sinh. Đồng thời, cách tiếp cận này cũng nâng cao nhận thức về việc cho con bú giúp tăng cường kích thích phát triển trí não thông qua tăng cường sự kết nối giữa người mẹ và trẻ, và thúc đẩy quá trình sản sinh sữa và tạo ra dinh dưỡng tốt hơn cho trẻ trong suốt giai đoạn phát triển quan trọng nhất của trẻ.



Khi bạn dừng lại và nhìn vào một phần sáng kiến toàn cầu đang được thực hiện nhằm mang lại một thế giới tốt đẹp hơn, ai trong chúng ta cũng có thể thấy được những điều mà thế giới đang phải hứng chịu. Trẻ em là những đối tượng bị tác động mạnh nhất bởi những tai ương, thảm họa và chúng ta có trách nhiệm đảm bảo rằng những thứ thế hệ đi trước để lại và bỏ lại cho các em phải là một nền tảng vững chắc cho các em sống còn và phát triển. Tôi rất vinh dự được hỗ trợ hoạt động của UNICEF và Next Gen của UNICEF. Tôi đánh giá cao những cán bộ UNICEF Việt Nam chuyên cần và tận tụy về tất cả những thành quả mà họ đã đạt được và về tất cả những điều họ vẫn đang tiếp tục đem lại cho trẻ em Việt Nam.


Tác giả: Nicole Neal, Thành viên Ban Chỉ đạo Next Generation NYC của UNICEF

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét