Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Chương trình giáo dục song ngữ tạo cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng cho trẻ em dân tộc thiểu số ở Việt Nam




Vàng Thị Thu Hà, 9 tuổi, học sinh lớp 3 đã tham gia Chương trình giáo dục song ngữ từ khi mới 5 tuổi.

Vàng Thị Thu Hà là học sinh lớp 3 trường Tiểu học Bản Phố thuộc tỉnh Lào Cai, một tỉnh miền núi nghèo của Việt Nam. Hà tham gia Chương trình giáo dục song ngữ từ khi mới 5 tuổi và em đã cho thấy tính hiệu quả của giáo dục song ngữ ở Việt Nam.


Hà tiếp thu bài rất nhanh khi học bằng tiếng Mông, tiếng mẹ đẻ của em và em cũng nắm bắt được tiếng Việt rất nhanh. Đây chính là thành quả của chương trình Nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ do UNICEF hỗ trợ.

Hợp tác chặt chẽ với Bộ Giáo dục Đào tạo, Chương trình này hiện đang được thực hiện ở một số tỉnh có tỉ lệ người dân tộc thiểu số cao như Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh.

Việt Nam là một đất nước có nhiều dân tộc và có nền văn hóa đa dạng. Một số nhóm dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu vùng xa, có điều kiện kinh tế khó khăn và chỉ sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình.

Tuy nhiên, ngôn ngữ chính thức được sử dụng trong nhà trường là tiếng Việt và chính điều này đã tạo ra rào cản ngôn ngữ cho nhiều trẻ em dân tộc thiểu số, làm các em không thể tham gia một cách tích cực và tự tin vào bài học và làm cho các em có kết quả học tập yếu kém hơn nhiều so với trẻ em dân tộc Kinh. Vì vậy, tỉ lệ tốt nghiệp tiểu học của trẻ em dân tộc thiểu số thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ này ở trẻ em dân tộc Kinh.

Nơi Hà ở có hơn 90% người dân tộc Mông. Tại đây chương trình giáo dục song ngữ đã bước vào năm thứ 6 và nhóm học sinh đầu tiên tham gia chương trình sẽ học năm cuối cùng tiểu học vào năm học tới.

Hà tham gia  chương trình song ngữ  khi còn đang học mẫu giáo. Theo Chương trình thử nghiệm, Hà sẽ chủ yếu học bằng tiếng Mông từ mẫu giáo cho đến lớp 3 và trong những năm này các em sẽ được học Tiếng Việt như một môn học. Các tiết tiếng Việt sẽ tăng dần theo từng năm giúp các em dần dần xây dựng vốn từ để rồi sau đó có thể từng bước chuyển sang học bằng tiếng Việt.

Lúc đầu gia đình Hà không tin lắm vào chương trình này. Mọi người nghĩ rằng  học bằng tiếng Việt sớm ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp Hà nắm chắc tiếng Việt và học giỏi hơn. Tuy nhiên mối lo ngại này của gia đình đã được giải tỏa. Cha của Hà đến thăm trường thường xuyên và tận mắt chứng kiến con gái của mình và các bạn cùng lớp chơi đùa, hát múa vui vẻ bằng tiếng Mông. Trong khi các bạn ở lớp bên cạnh vẫn học bằng tiếng Việt thì không được hoạt bát như vậy vì các bạn không hiểu hết lời cô giáo.

Ở trường Hà tiến bộ rất nhanh và kết quả học tập của em rất tốt. Mới học lớp 3 Hà đã đọc thông viết thạo tiếng Việt và em đã giành nhiều giải nhất các cuộc thi cấp tỉnh. Hà còn tham gia chương trình “Khám phá khoa học cùng Skycare” với tư cách là “nhà sử học nhỏ tuổi”

“Được học bằng tiếng mẹ đẻ là vô cùng tuyệt vời. Em tự hào lắm vì có thể nói và viết bằng tiếng nói của bố mẹ em. Nếu các bạn em cũng có cơ hội học bằng tiếng mẹ đẻ, em nghĩ các bạn sẽ rất thích. Em ước ao có thật nhiều bạn dân tộc Mông ở Lào Cai và các dân tộc khác cũng có được may mắn như em”, Hà chia sẻ.

Cha của Hà giờ đây là người ủng hộ tích cực cho chương trình này. “Các học sinh được học tiếng mẹ đẻ đều học tốt hơn các bạn học sinh khác học ở lớp đại trà. Cháu Hà rất thích đi học, chăm chỉ học tập vì cháu được học tiếng mẹ đẻ ở trường nên cháu tiếp thu các môn học tốt hơn và chúng tôi rất ngạc nhiên là đến lớp 3 mới học tiếng Việt nhưng cháu có thể chuyển sang ngôn ngữ thứ hai, ngôn ngữ phổ thông rất nhanh. Chúng tôi mong rằng khi kết thúc chương trình tiểu học, mô hình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ này sẽ được nhân rộng trên địa bàn Lào Cai và các tỉnh có đông dân tộc thiểu số tại Việt Nam để có nhiều học sinh dân tộc được tham gia”, cha của Hà phát biểu.

Hà không những học giỏi mà em còn dạy cho mọi người trong nhà biết viết chữ   tiếng Mông nữa. Phần lớn mọi người trong nhà đều nói tiếng Mông nhưng không biết viết chữ tiêng Mông. Hà thường đem sách giáo khoa về cho mọi người trong gia đình xem, và chỉ cho mọi người cách viết chữ tiếng Mông, nhờ vậy mà cả nhà bây giờ đã biết chữ tiếng Mông.

Từ năm học 2010-2011, tỉnh Lào cai đã bắt đầu nhân rộng Chương trình giáo dục song ngữ và nhiều học sinh dân tộc thiểu số trong tỉnh đã được học bằng tiếng mẹ đẻ, tạo cơ hội cho các em phát triển hết tiềm năng của mình và giúp bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

UNICEF đã hỗ trợ kỹ thuật và tài chính trong việc xây dựng giáo trình giảng dạy, tập huấn giáo viên, vận động chính sách và thực hiện các nghiên cứu theo dõi kết quả học tập. Chương trình cũng nhận được sự hỗ trợ và tham gia nhiệt tình của lãnh đạo địa phương, cha mẹ và cộng đồng. Lãnh đạo địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc học song ngữ và hỗ trợ tài chính để sửa sang trường lớp cho học sinh.

Ngoài việc cung cấp sách giáo khoa song ngữ và cặp sách cho học sinh, chương trình còn giúp đào tạo giáo viên kỹ năng đứng lớp và sử dụng các tài liệu giảng dạy song ngữ. Các chuyên gia ở Trung ương đến thăm trường thường xuyên để giúp nhà trường về phương pháp cũng như tổ chức các hội thảo bồi dưỡng năng lực cho các nhà quản lý giáo dục và giáo viên của trường.

Hiện nay, cha mẹ học sinh theo dõi sát xao tình hình học tập của con em mình và thường xuyên tham gia các hoạt động của trường. Họ đã cùng các thầy cô và nhà trường làm nhà bảo tồn, thư viện xanh ngoài trời, đồ dùng đồ chơi cho học sinh.

UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh chương trình giáo dục song ngữ để ngày càng có nhiều hơn các học sinh dân tộc thiểu số được tham gia học tập vui vẻ, tích cực và có kết quả tốt.

Tác giả Thanh Nga và Thanh Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét