Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Mỗi gia đình, một nhà vệ sinh: Thay đổi thói quen cũ để bảo vệ cuộc sống ở miền Bắc Việt Nam

Xã quai Nưa, huyện Tuần Giáo– Cách đây không lâu, Lò Thị Trang, cũng làm y như những đứa trẻ khác trong bản của mình mỗi khi muốn đi vệ sinh.

Em đã từng đi xuống sông", cô bé 12 tuổi cười khúc khích. "Chúng em đã không có nhà vệ sinh và thậm chí còn không biết nó là gì. Nhưng thực sự, em không ngại phải làm như thế. Tất cả mọi người trong bản đều xuống đồi để đi vệ sinh ở bờ sông: nên không ai lấy làm xấu hổ! Vào mùa mưa, điều đáng lo là đường đồi trở nên trơn hơn và chúng em phải cẩn thận từng bước chân để không bị ngã".


Trang tự hào giới thiệu nhà vệ sinh hợp vệ sinh mới mà cha mẹ cô bé xây dựng, bên cạnh ngôi nhà của mình cách đây bảy tháng, Tại xã Quai Nưa, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
© UNICEF Việt Nam/2013/Matthew Dakin
Trang sống ở huyện miền núi Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, miền Bắc Việt Nam. Chỉ vài tháng trước đây, xã Quai Nưa của em được thống kê là có số lượng nhà vệ sinh ít nhất trong toàn tỉnh. Người dân nơi đây chỉ đơn giản là không hiểu được giá trị của một công trình vệ sinh. Trong xã, chỉ có khoảng 4% các gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, và việc đi tiêu bừa bãi là rất phổ biến.

Mặc dù việc sử dụng nhà vệ sinh hiện đại là rất bình thường tại các đô thị của Việt Nam, tuy nhiên ở các vùng nông thôn, nơi có khoảng 70% của 86 triệu dân đang sinh sống, ngay cả nhà vệ sinh kiểu đơn giản nhất cũng ít được biết đến. Ước tính có gần 9% các gia đình ở nông thôn Việt Nam đi tiêu bừa bãi.

Tình trạng trên gây trở ngại cho Việt Nam trong nỗ lực đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc số 7 là giảm một nửa tỷ lệ dân số không được hưởng điều kiện vệ sinh cơ bản vào năm 2015.

Thay đổi thói quen cũ
Bà Nguyễn Thanh Hiền, Chuyên gia nước sạch và vệ sinh môi trường của  UNICEF Việt Nam giải thích "Tất cả chỉ là việc thay đổi thói quen cũ. Chúng tôi tập trung nỗ lực để cộng đồng hiểu được việc đi tiêu bừa bãi sẽ gây ra các bệnh như tiêu chảy và nhiễm ký sinh trùng như thế nào. Từ đó họ sẽ tự thấy được tầm quan trọng thực sự của nhà vệ sinh."

Nhằm thay đổi hành vi của người dân cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của họ, UNICEF hợp tác với Bộ Y tế để giới thiệu cách tiếp cận "Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ" (VSTTCCLC) tại một số địa bàn ở Việt Nam. VSTTCCLC là một chương trình sáng tạo giúp các gia đình nông thôn có thể xây dựng nhà vệ sinh với ngân sách thấp. Cách tiếp cận này đã được thực hiện tại 9 xã của huyện Tuần Giáo kể từ cuối năm 2012.

Lời cảnh báo dành cho cộng đồng
Để đảm bảo rằng người dân địa phương hiểu được tác hại của việc đi vệ sinh bừa bãi như hiện nay, UNICEF hỗ trợ tổ chức các "hoạt động kích hoạt" cùng với các cộng tác viên cộng đồng, những người đã được tập huấn những kỹ năng cơ bản về VSTTCCLC. Người dân sẽ được đưa đến những khu vực trong làng/bản mà người dân đại tiện.

Sau đó, họ được yêu cầu tính lượng phân thải ra hàng ngày và hàng tháng của mình.

"Trong hoạt động lần đầu tiên, người dân chúng tôi thực sự xấu hổ khi phát hiện ra việc thải phân bừa bãi ở những nơi công cộng đã ảnh hưởng xấu như thế nào đến sức khỏe của con cái, cũng như tăng các chi phí chăm sóc sức khỏe có liên quan", Bà Lò Thị Thanh, Giám đốc trung tâm y tế xã Quai Nưa nhớ lại. "Đó là lời cảnh tỉnh cho cả cộng đồng. Họ đã ngay lập tức nhất trí không đi tiêu bừa bãi nữa và đồng ý xây dựng nhà vệ sinh. Số lượng nhà vệ sinh tại mỗi gia đình cũng bắt đầu tăng đáng kể, bắt đầu từ thời điểm đó. "


Mẹ của Trang, Chị Lò Thị Định dạy em cách làm thế nào để làm sạch nhà vệ sinh đúng cách. Tại xã Quai Nưa, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
© UNICEF Việt Nam/2013/Matthew Dakin
Lợi ích cho sức khỏe
Trang rất tự hào khi giới thiệu với chúng tôi nhà vệ sinh mới tinh của gia đình em, mới được xây dựng cách đây 7 tháng. Mẹ của Trang, chị Lò Thị Định, 44 tuổi cho biết: "Trước đây, trẻ em trong làng thường mắc bệnh tiêu chảy, hoặc đau mắt . Gia đình chúng tôi có 6 người, trong đó có bố mẹ, hai vợ chồng và hai đứa trẻ. Chúng tôi đã phải tiêu tốn rất nhiều tiền thuốc thang. Còn kể từ khi gia đình chúng tôi có nhà vệ sinh mới, Trang cũng như là bố mẹ chồng tôi, đã không còn bị ốm nữa."

Trang tâm sự "Mẹ chỉ cho em cách sử dụng nhà vệ sinh đúng cách. Mẹ nhớ rất tốt tất cả các thông tin từ các buổi hoạt động khuyến khích. Mẹ dạy em cách rửa tay sau khi đi vệ sinh. Cũng như mẹ, khi đến lớp, em hướng dẫn lại cho các bạn của mình. Em thấy tự hào khi được chia sẻ kiến ​​thức, để mọi người xung quanh em có một cuộc sống tốt đẹp hơn."
Ở thời điểm hiện tại, 98% các gia đình trong xã Quai Nưa đã có nhà vệ sinh. từ năm 2012, UNICEF tiếp tục mở rộng cách tiếp cận "Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ" tại hai tỉnh khác ở Việt Nam là Lào Cai và Gia Lai.


Trang rửa tay bằng xà phòng. Tại xã Quai Nưa, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
© UNICEF Việt Nam/2013/Matthew Dakin
Tác giả Ngô Thu Trà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét