Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Blog của Ly– Ngày đầu tiên đến An Giang

Me, looking stupid and super excited in UNICEF T-shirt
Nguyễn Hương Ly, 22 tuổi, hiện đang thực tập tại UNICEF Việt Nam, mảng truyền thông trong 4 tháng qua. Ngày 3 tháng 2 vừa qua bạn ấy đã tham gia một chuyến thực địa tới tỉn An Giang, đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam để hiểu rõ hơn về những hoạt động của UNICEF và những khó khăn mà trẻ em ở đây gặp phải. Hãy đọc blog của bạn ấy nhé!

3/2/2013

Tôi đang đi thực địa cùng với các anh chị ở UNICEF, đi đến An Giang. Ở đây có các dự án về nuôi con bằng sữa mẹ, và bảo vệ quyền trẻ em mà UNICEF đang hỗ trợ. Tôi là đứa mới toanh, mới chỉ bắt đầu vào làm được bốn tháng, bán thời gian, và nhiệm vụ chỉ có quanh quẩn trên Facebook! Lúc nào tôi cũng thấy mình quá may mắn, lần này cũng thế, quá may mắn nên mới có được một cơ hội như thế này. Tôi đang học để sau này làm cô kế toán… Thường thì tôi không viết blog, sinh viên mà học kinh doanh thì chỉ viết báo cáo tài chính thôi, những thứ vừa dài vừa chán ốm! Hôm nay lại viết blog, là vì thật hứng! 

Sáng nay chúng tôi phải đến văn phòng để cùng đi ra sân bay, trèo lên máy bay vào Cần Thơ rồi đi xe vào An Giang. Tôi háo hức không chịu nổi, đến sớm cả nửa tiếng. Lúc ngồi trên taxi đến sân bay, các anh chị nói về các chuyến thực địa khác. Mỗi chuyến đi như thế này là một lần để họ được nhắc nhở: ý nghĩa của công việc mình làm là gì và vì sao từ ban đầu mình chọn nó. Điều đó nhiều khi cái văn phòng chồng chất công việc làm họ quên mất. Còn với tôi, lần này tôi sẽ hiểu hơn về công việc mà UNICEF đang làm ở các tỉnh như An Giang. Năm nay sẽ tốt nghiệp, thành ra lúc nào tôi cũng nghĩ về ngày tốt nghiệp và về những thứ mình muốn làm. Cứ càng nghe các anh chị nói thì càng mong đến ngày mình cảm thấy điều tương tự và biết trân trọng công việc mình đang làm.

Cả nhóm có 5 người: anh Andy, chị Nele và anh Hùng là nhân viên và chuyên viên của UNICEF còn Hồng Anh với tôi là hai đứa thực tập mới toanh. Chúng tôi vào đến Cần Thơ lúc 2h chiều. Ở đây quá nóng, nóng đến nỗi khó thở. Tôi che che nấp nấp một hồi sợ bị đen, rồi quyết định mặc kệ, thôi thì mang làn da An Giang về ăn Tết!


Vietnamese flag waving on a road in Can Tho




Phải ngồi ô tô khoảng hơn một tiếng mới đến được An Giang, chúng tôi ăn phở bò ở bên đường. Bác hàng phở còn nuôi một con gà nên thỉnh thoảng đang ăn tôi lại quay ra nhìn nó cong mông chạy ra gần đường và kêu tục tục. Mỗi lượt ô tô chạy qua cái xẹt là bụi lại cuộn lên cao đến gần thắt lưng mất, nhưng bát phở thì quá ngon, và chúng tôi an toàn ngồi tận phía trong! Ở đây dọc hai bên đường họ treo phấp phới toàn cờ đỏ sao vàng, chắc vì đến Tết, hoặc vì người phía Nam yêu nước hơn người Hà Nội, tôi chẳng biết cứ đoán già đoán non thế. Đường từ Cần Thơ về đến An Giang suốt một dọc bên này là đồng lúa với cây cối um tùm, bên kia là sông chạy men theo. Đồng lúa thì ở đâu cũng thế, chỉ có điều ở đây thấy nhiều cây dừa hơn. Có nhánh sông chảy theo đường xe chạy mới là tuyệt nhất, giá mà được ngồi thuyền thay vì ngồi ô tô thì có phải thích không.

Ngày từ đầu tôi đã rất thích ở đây, mọi thứ trông đều quen nhưng mà cũng lạ. Ở đây tuyệt một cái là được thấy mình không lạc đi đâu cả, nhưng mọi người có giọng nói khác mình, có khẩu vị khác mình, thành ra nói chung là mình vẫn “khác”!

Bốn giờ chiều chúng tôi đến An Giang. Lúc đầu tôi tưởng nó là tỉnh xa xôi hẻo lánh rồi cả đoàn sẽ ngủ nhà lá, nhưng mà không, tưởng tượng sai toét! Chúng tôi dừng ở trung tâm, mọi thứ trông đều khang trang chẳng khác đường phố Hà Nội là mấy, nhưng thoáng hơn, sạch hơn và chẳng hiểu sao cứ ấm cúng hơn, chắc vì lúc nào cũng nắng chang chang. 

Mr Quang, UNICEF's Nutrition expert
Nghỉ một lát rồi chúng tôi gặp bác sĩ Quang của UNICEF, bác là chuyên gia dinh dưỡng và là người hiểu nhất về dự án nuôi con bằng sữa mẹ ở An Giang. Bác nói say sưa về mô hình nuôi con bằng sữa mẹ, tổng quan về mô hình này ở An Giang, những hỗ trợ từ UNICEF và những thành công mà dự án này đang đạt được. Trước khi nghe bác Quang nói chuyện, tôi không mấy quan tâm đến chủ đề “nuôi con bằng sữa mẹ”. Nói thật thì nếu bạn không phải đang làm mẹ, thì hơi đâu để ý hay tìm hiểu về những chủ chẳng mấy hấp dẫn như thế này. Nhưng nhìn cách bác Quang nói chuyện, thấy cách bác tâm huyết với việc làm sao cho lũ trẻ mới sinh ra được khỏe mạnh thông minh, tôi lắng nghe và đúng là chẳng chán gì. Thật ra chẳng bao giờ là quá sớm để hiểu biết thêm những điều tối quan trọng như thế này, nếu bạn là con gái, kiểu gì về sau chẳng sẽ làm mẹ.

Bác Quang nhắc đi nhắc lại rằng chỉ sữa mẹ thôi là đủ rồi, đây là thức ăn hàng đầu trong sáu tháng đầu tiên của trẻ, để chúng phát triển khỏe mạnh. Bác bảo: “Trẻ con dưới sáu tháng cái cần nhất là não được phát triển toàn diện, mà chỉ cần sữa mẹ thôi đã đủ rồi, sữa mẹ là tốt nhất. Vì thế ở đây UNICEF làm việc với  trạm y tế và các nhóm hỗ trợ được thành lập để giúp đỡ và chia sẻ với các bà mẹ.”

Nói chuyện với bác Quang một lúc rồi chúng tôi trở về phòng. Cả ngày hớn hở giờ mới đến lúc mệt, chỉ muốn ngủ luôn một mạch. Ngày mai sẽ là ngày đầu tiên chính thức “làm lụng”! Ngày mai sẽ rất tuyệt vời!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét