Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Blog của Ly – ngày thứ hai ở An Giang - chăm chỉ bận rộn

Nguyễn Hương Ly, 22 tuổi, hiện đang thực tập tại UNICEF Việt Nam, mảng truyền thông trong 4 tháng qua. Ngày 3 tháng 2 vừa qua bạn ấy đã tham gia một chuyến thực địa tới tỉn An Giang, đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam để hiểu rõ hơn về những hoạt động của UNICEF và những khó khăn mà trẻ em ở đây gặp phải. Hãy đọc blog của bạn ấy nhé!

4/2/2013

BUỔI SÁNG
My view from the ferry

Tôi tỉnh như sáo từ lúc 6 giờ sáng. Lật đật mặc áo phông UNICEF oai như cóc, rồi hì hục chuẩn bị xem cần thứ gì, thiếu thứ gì cho cả một ngày dài. Túi xách, sổ tay với bút, rồi xông pha đeo một cái máy ảnh hộ cho bạn Hồng Anh, thế là xong! Chúng tôi ăn hủ tíu cho bữa sáng, miếng sườn to bằng cả nắm tay, quá tuyệt vời! Tôi được dúi cho một tập văn bản, đều là tài liệu về chương trình nuôi con bằng sữa mẹ và việc triển khai thế nào ở An Giang.


Chúng tôi trèo lên xe và đi Phú Tân thăm dự án nuôi con bằng sữa mẹ ở đó vào khoảng 8 giờ sáng. Trên đường đi tôi mới bắt đầu đọc tập tài liệu, họ bảo để được coi là khỏe mạnh và có thể sinh ra một em bé khỏe mạnh thì bà mẹ phải có chỉ số khối cơ thể (BMI) ít nhất là 18.5. Tôi thì chưa từng biết chỉ số khối cơ thể là cái gì cả. Trong trường hợp bạn cũng thế, thì chỉ số này được tính bằng cách: lấy cân nặng (theo kg) của bạn, chia cho bình phương chiều cao của bạn (theo m, tức là nếu bạn cao 1m63 thì dùng 1.63 nhé). Đại khái là tôi rất thích thú vì biết được mẩu kiến thức bé tí này, nên tôi bô lô ba la hỏi tất cả mọi người trên xe và chúng tôi bắt đầu ngồi tính BMI của từng người một. Tôi được 17.8, tức là hơi gầy một tí cần phải ăn bồi dưỡng thêm!

Từ trung tâm ra đến Phú Tân là khoảng 70km, và chúng tôi phải đi phà băng qua sông mới đến được. Đấy là lần đầu tiên tôi đi phà, mà là cái phà rất lớn, kì diệu ở chỗ xe máy ô tô đều leo hết lên cùng bạn. Tôi trèo ra khỏi xe, chạy ra đứng ở mũi phà để chụp ảnh, để sau đấy còn Instagram khoe mẽ với mọi người. Tôi đứng nghe tiếng máy kêu xịch xịch, nhìn các cô các bác bán vé số và những thứ đồ ăn vặt mà chắc là cả ngày cũng chẳng có mấy người mua, rồi nhìn các bác trai ngồi vắt chân trên xe máy hay phì phèo điếu thuốc. Tôi nghe mọi người nói chuyện, rồi nhìn cách mọi người nhìn mình kì cục. Chắc trong đầu họ nghĩ: “Quái lạ cái hội người này ở đâu mà đều mặc áo giống nhau?”. Tôi thích nhìn mọi người ở đây, nghe họ nói chuyện bằng cái giọng miền Nam mà lúc nào tôi cũng cho là siêu dễ thương. Thật ra cái gì cũng thế, hễ mình không có thì mình thấy nó đặc biệt dễ thương.

My lottery ticket from An Giang
Tôi mua một tấm vé số rồi đứng sang mũi phà bên phải, chờ cho phà cụng vô đầu bên kia. Tôi cũng chẳng mong trúng được một tỉ, nhưng lỡ có trúng thì quá tuyệt. Thời tiết ở đây rất thích, nắng chang chang không mở được mắt nhưng lúc nào cũng có gió mát rượi. Chỉ chưa đến 5 phút là đã tới bên kia sông. Ngắn quá, mà đẹp quá làm tôi cứ muốn ở lại thêm chút nữa. Chỉ có vài phút ngắn tũn nhưng tôi đã tưởng mình đang đi du lịch, chứ không phải đi làm.




Trung Tâm Y Tế Xã

Chúng tôi trở lại xe đi thêm chút nữa thì tới xã Bình Thạnh Đông, đây là nơi triển khai dự án nuôi con bằng sữa mẹ. Chúng tôi được nghe các anh chị nhân viên y tế xã và các “bà mẹ nòng cốt” của dự án. Bà mẹ nòng cốt là những người đã từng làm mẹ, tham gia để giúp các bà mẹ khác trong xã hiểu được ý nghĩa và lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Chương trình này bắt đầu từ tháng 6 năm 2009, khi mà chẳng mấy các chị, các mẹ ở xã cho con bú hoàn toàn. Đến nay, tỉ lệ này là 27%, ngoài ra hơn 70% các bà mẹ đều đã có kiến thức về việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Ở đây, các anh chị nhân viên y tế xã mở các lớp tập huấn cho các “bà mẹ nòng cốt” trong xã để sau đó họ sẽ truyền đạt lại với các bà mẹ khác thông qua các buổi họp nhóm hoặc thăm hỏi gia đình định kì. Chị Nguyễn Thị Tuyết Phụng, 29 tuổi, kể với chúng tôi: “Tôi từng cho em bé của mình bú mẹ thành công, vì thế tôi được hỏi làm một trong những “bà mẹ nòng cốt” của xã. Tôi được tham gia tập huấn rồi về chia sẻ với các chị em những điều mình học được. Tôi rất vui khi thấy mọi người nghe theo mình và cho con bú, nhất là khi thấy các bé khỏe mạnh. Tôi cứ muốn tham gia hoài!”

Phuong – one of the core mothers in a group meeting with mothers in the commune
Chúng tôi theo chị Phương tham gia một buổi họp nhóm của các bà mẹ, lắng nghe một vài khó khăn mà họ gặp phải. Họ được nghe lời khuyên từ Phương và yên tâm hơn trong việc cho con bú.

Chúng tôi cũng tới thăm một vài gia đình, họ đều rất may mắn vì không gặp phải khó khăn gì và các em bé đều rất khỏe mạnh nhờ được bú sữa mẹ hoàn toàn. Tuy thế, còn rất nhiều các mẹ gặp đủ thứ khó khăn khi bắt đầu cho em bé bú, nào là không có thời gian vì phải đi làm, nào là bị đau vì bé bú quá mạnh, hay thậm chí là mất sữa triền miên. Chú Quang, chuyên viên y tế kể với chúng tôi câu chuyện của gia đình chú. Con trai chú được sinh non 2 tháng, suốt thời gian đầu không được ở với mẹ, vì thế sau khi em bé được về nhà với mẹ thì mẹ cũng mất sữa, cứ tưởng không thể cho bú được. Nhưng chú Quang ngày nào cũng động viên vợ cho con bú, kể cả sữa không ra, cuối cùng sau những cố gắng đó, vợ chú lại có sữa trở lại. Thế nên thật ra lúc nào cũng khó khăn hơn nếu các mẹ từ bỏ việc cho bé bú quá sớm, chỉ cần cố một chút thôi.

Thế là chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ buổi sáng. Tôi trèo lên xe ngủ thiếp đi một tẹo, chiều còn thêm việc mới!...

Tác giả: Nguyễn Hương Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét