Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Tình nguyện tại Việt Nam - Câu chuyện của Aisling Daly từ Ireland


Tôi bắt đầu công việc của mình với vai trò là một Tình nguyện viên Thanh niên Liên Hợp Quốc từ tháng 5/2015. Tôi rất hào hứng khi được sống và làm việc tại đất nước tuyệt vời này khi lần đầu tiên được làm việc trong hệ thống của Liên Hợp Quốc.

Một vài điểm khác biệt

Kinh nghiệm trước đây của tôi chủ yếu là làm việc với các tổ chức phi chính phủ chủ yếu tại các quốc gia Châu Phi, do đó tôi mất khá nhiều thời gian để thích ứng với sự thay đổi và khác biệt trong môi trường làm việc mới này. Bên dưới là ba điểm mà tôi đã phải điều chỉnh:

1. Châu Phi và Đông Nam Á rất khác nhau

Những sự khác biệt ở đây chủ yếu là về con người, văn hóa và khí hậu, không thể lường hết và cũng như kiểm soát hết được. Tôi rất thích được học văn hóa và lịch sử của Việt Nam, thưởng thức những món ăn ngon bản địa và được kết bạn với những người Việt Nam thân thiện!

2. Sự khác biệt giữa các quốc gia có thu nhập thấp và các quốc gia có thu nhập trung bình
Điểm khác biệt chủ yếu là Việt Nam gần đây được xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, do đó Việt Nam nhận được ít hơn tài trợ từ nước ngoài. Phân loại các nước thu nhập trung bình dựa theo thực tế rằng bản thân Việt Nam đã có thể sử dụng các nguồn thu nhập và ngân quỹ tự có để hỗ trợ các chương trình phát triển. 

3. Môi trường làm việc trong Liên Hợp Quốc khác với môi trường phi chính phủ
Làm việc trong môi trường Liên Hợp Quốc đồng nghĩa với việc sẽ ít tham gia vào các công việc cung cấp dịch vụ xã hội như ở các tổ chức phi chính phủ, trừ khi không có tổ chức nào hỗ trợ công việc này. Trước đây, khi làm việc trong một tổ chức phi chính phủ ở Châu Phi, công việc của tôi chủ yếu tập trung vào các chương trình thay đổi hành vi dựa vào cộng đồng và cung cấp dịch vụ xã hội. Công việc này cần phải thường xuyên đều đặn tiếp xúc trực tiếp với người hưởng lợi và khi đã nhận được nguồn tài trợ từ các nhà tài trợ bên ngoài cũng như được phép của chính quyền địa phương, chúng tôi có thể khá thoải mái chạy các chương trình như đã lên kế hoạch từ trước.

Hệ thống của Liên Hợp Quốc khác với các tổ chức phi chính phủ ở chỗ có nhiều mô hình chương trình và công tác vận động chính sách ở cấp vĩ mô. Điều này rất mới đối với tôi và tôi cũng mới làm quen với công việc trong môi trường hoạch định chính sách, do đó tôi đã mất một chút thời gian ban đầu để hòa nhập với môi trường Liên Hợp Quốc. Nhưng tôi rất thích thú với kinh nghiệm làm việc trong môi trường mới của mình và rất mong chờ được hỗ trợ tiến trình phát triển xã hội của Việt Nam đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em và bà mẹ

Các chuyến công tác



Tôi may mắn được tham gia vào hai chuyến công tác gần đây để bước đầu tìm hiểu công việc của UNICEF chúng tôi được tiến hành như thế nào trong các cộng đồng cần hỗ trợ.

Tôi đã đến Ninh Thuận ở khu vực Trung Tây Nguyên, để lập kế hoạch một chương trình liên kết giữa UNICEF và FAO, hỗ trợ các gia đình không được đảm bảo an ninh lương thực. Thật không may là cộng đồng dân cư ở đây đã phải gánh chịu những hệ quả của trận hạn hán gần đây trong khu vực, đồng nghĩa với việc họ có ít thức ăn hơn bình thường bởi vì vụ mùa đã bị mất trắng. Tôi gặp một bé gái bị suy dinh dưỡng rất nặng, em đã 3 tuổi nhưng chỉ nhỏ như trẻ 1 tuổi. Ông của cô bé chính là người nuôi dưỡng em bời vì cha em đã mất và mẹ thì bán hàng ở chợ, không có một ai có thể mang em đi bệnh viện để chữa chạy. Tôi cũng đã gặp một người cha trẻ với ba đứa con. Anh nói với chúng tôi rằng họ đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi trận hạn hán bởi cả nhà chỉ có duy nhất một mảnh đất nhỏ ở trên núi cao để trồng trọt, và chỉ đủ ngô để nuôi sống gia đình mà không có bất cứ nguồn thực phẩm hay thu nhập nào khác. Những gia đình như kể trên sẽ hưởng được lợi ích thực sự từ các sáng kiến của UNICEF/FAO, từ đó họ có thể tiếp cận với nhiều nguồn thực phẩm hơn và biết sử dụng thực phẩm đúng cách để những đứa trẻ có thể lớn lên mạnh khỏe mà không bị thiếu dinh dưỡng.

Chuyến công tác lần thứ hai của tôi là đến thăm tỉnh Đồng Tháp ở khu vực đồng bằng sông Mê-kông, là một phần của chuyến đi kiểm tra để nắm tình hình hoạt động của UNICEF hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Những cánh đồng xanh thơm mát và hàng cây ăn quả trồng dọc mỗi tuyến phố là nét rất thú vị của tỉnh Đồng Tháp. Ở khu vực vực này, người dân hiếm khi bị thiếu lương thực bởi vì đất rất giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, họ cần được cung cấp nhiều hơn các kiến thức về cách sử dụng thực phẩm có sẵn để nấu các bữa cơm ngon và đủ dinh dưỡng cho gia đình. Tôi rất vui được tham gia vào một buổi hướng dẫn về thực phẩm tại cộng đồng, xem các bà mẹ học nấu các bữa ăn đơn giản mà giàu dinh dưỡng cho con mình. Mặc dù món ăn chỉ bao gồm 5 nguyên liệu (bột gạo, dầu, trứng, rau cải, muối), nhưng thực sự rất ngon! Tất cả các bà mẹ đều nếm thử để rồi bị thuyết phục rằng những đứa trẻ hẳn cũng sẽ thích những món ăn này. Tôi rất ấn tượng về cách thức tổ chức của buổi hướng dẫn này, cũng như sự nhiệt tình tham gia của các bà mẹ, đặc biệt là sự cảm kích của người dân đối với chương trình được hỗ trợ bởi UNICEF. Chúng tôi cũng đã đến thăm một vài bệnh viện địa phương cũng như ở tỉnh để gặp những người mới làm mẹ và các em bé mới sinh chỉ 1-2 ngày tuổi. Chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh ở các bệnh viện này rất ấn tượng, và thật tuyệt khi những người mẹ trẻ chia sẻ rằng họ bắt đầu cho con bú sữa mẹ với sự hỗ trợ của các bác sỹ và y tá sản khoa trong bệnh viện và họ sẽ tiếp tục cho con bú bằng sữa mẹ.

Tôi mong rằng sẽ được tham gia vào nhiều chuyến công tác đến các vùng miền khác nhau của Việt Nam để hiểu sâu hơn, chi tiết hơn về những vấn đề khác nhau ảnh hưởng đến từng vùng miền và khu vực khác nhau trên đất nước. Tính đến nay, tôi đã có những kinh nghiệm hết sức thú vị, và tôi mong chờ được làm việc gần hơn nữa với chính quyền địa phương, trung ương, và cả cộng đồng trong thời gian làm việc với vai trò Tình nguyện viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Ảnh 1: Tình nguyện viên Thanh niên Liên Hợp Quốc Aisling Daly
Ảnh 2: Ảnh từ chuyến công tác của Aisling - Họp với các nhân viên trung tâm y tế tại Đồng Tháp
Ảnh 3: Ảnh từ chuyến công tác của Aisling – Bé Đăng (bên trái) cùng với cha đến tham gia buổi hướng dẫn về thực phẩm tại Đồng Tháp.

Biên tập: David Scott – Tình nguyện viên Online


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét