Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

Tăng ni Phật tử tham gia vào cuộc chiến chống kỳ thị đối với người nhiễm HIV ở Việt Nam

Thượng tọa Thích Thanh Huân, Trụ trì chùa Pháp Vân Hà nội cho biết các bài giảng của nhà chùa về giảm kỳ thị và thông tin về HIV đã đến được với hơn 2.000 thanh niên trong hai năm qua. UNICEF/Việt Nam/2010/Bisin
Chị Nhã, 31 tuổi nở nụ cười tự hào âu yếm nhìn cô con gái nhỏ vừa đi học về. Bé Thủy năm nay 8 tuổi cười lém lỉnh nhìn mẹ rồi sà vào lòng mẹ âu yếm. Chị Nhã nhớ lại: “Tới năm Thủy bốn tuổi chúng tôi mới phát hiện ra cháu cũng dương tính với HIV. Trước đó lúc nào thử cháu cũng âm tính. Tin cháu có H quả thực là một cú sốc. Tôi yêu con gái vô cùng. Tôi đã rất lo lắng và thất vọng. Tôi đã mất hy vọng vào tương lai”.

Thủy hiện đang học lớp 3. Em cười: “Cháu thích đi học lắm. Cháu có bạn bè và mỗi ngày cháu học được nhiều điều mới”. Ở trường, không ai biết Thủy nhiễm HIV.
Đương đầu với kỳ thị, chiến đấu với HIV
Chị Nhã cho biết: “Trông Thủy rất khỏe mạnh. Tuy hồi nhỏ cháu hay đau yếu nhưng bây giờ cháu cao và khỏe. Một vài người bạn của tôi đã quyết định công khai chuyện con họ bị nhiễm HIV. Khi phụ huynh của các cháu khác biết chuyện, họ không chịu để con mình tiếp tục học cùng lớp. Điều này làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Tôi không muốn con gái tôi phải chịu đựng những điều như vậy nên tôi chỉ im lặng”.

Bé Thủy và chị Nhã thường xuyên kiểm tra sức khỏe ở bệnh viện gần nhà. Hàng tháng, bé Thủy, chị Nhã và người chống thứ hai của chị Nhã, anh Anh, được điều trị kháng vi rút miễn phí. Người chồng đầu của chị Nhã mất vì bệnh AIDS năm 2002. Chị Nhã cho biết: “Anh ấy làm trong ngành xây dựng và đi đây đi đó nhiều. Có thể anh ấy nhiễm bệnh do quan hệ tình dục không an toàn với gái mại dâm”. Cũng khoảng thời gian đó chị Nhã phát hiện bản thân cũng nhiễm HIV.

Chị Nhã nhớ lại: “Tôi đã khóc rất nhiều khi bác sĩ nói tôi dương tính với HIV. Việc đó xảy ra đã lâu xong tôi còn nhớ suốt đời. Tôi đã không biết đó là bệnh gì nên bác sĩ đã giài thích mắc bệnh đó nghĩa là thế nào. Tôi đã tuyệt vọng”.

Người chồng hiện tại của Nhã nghiện hút. Anh ta đôi lúc chạy xe ôm song chút tiền còm cõi hai người kiếm được chi tiêu tằn tiện cũng không đủ sống qua ngày. Rất nhiều khả năng anh ta đã nhiễm vi rút HIV qua đường tiêm chích và dùng chung bơm kim tiêm. Nhã cho biết thêm: “Cuộc sống không hề dễ dàng chút nào. Tôi làm giúp việc để kiếm sống’.

Đem hy vọng và hỗ trợ tinh thần
Cách đây vài năm, bạn bè Nhã giới thiệu chị tới chùa Pháp Vân. Tới chùa chị đã được gặp Thầy Huân và các thầy trong chùa cùng các tình nguyện viên hỗ trợ và chăm sóc cho trẻ em và các gia đình nhiễm HIV. “Họ không những nuôi tôi ăn mà còn giúp tôi rất nhiều về tâm lý và tình cảm. Ở chùa, tôi cũng gặp được những người đồng cảnh ngộ. Tôi thấy mình không đơn độc. Tôi thực sự được giúp để bước tiếp. Tôi cũng đã học được cách giao tiếp với cộng đồng và bảo vệ chính gia đình mình.”

Thượng tọa Thích Thanh Huân, Trụ trì chùa Pháp Vân tổ chức các buổi giảng đạo Phật mỗi tuần hai lần. Thầy cho biết: “Qua các buổi giảng, nhà chùa mong muốn giảm được kỳ thị đối với người nhiễm HIV và nhà chùa cũng chia sẻ thông tin về HIV như con đường lây bệnh, cách tự phòng tránh. Trong hai năm qua, hơn 2.000 thanh thiếu niên đã tham gia nghe các buổi giảng này”.

Ngoài các buổi giảng này, một nhóm tình nguyện viên đã được các thầy trong chùa tập huấn hàng tháng đã tới thăm viếng khoảng 40 gia đình.

Ở Việt Nam có khoảng 220.000 người bị nhiễm HIV. Ở một nước hơn 80% dân số theo đạo Phật thì các nhà sư đặc biệt được kính trọng và có ảnh hưởng rất lớn.

Sáng kiến Lãnh đạo Phật giáo do UNICEF Việt Nam khởi xướng năm 2003. Với sáng kiến này, UNICEF phối hợp chặt chẽ với các đối tác chính phủ và quốc tế để tập huấn cho các nhà sư giúp hỗ trợ đặc biệt cho những người nhiễm HIV và nâng cao nhận thức về HIV và AIDS trong cộng đồng.

Ông Yasuda Tadashi - Chuyên gia UNICEF Việt Nam về HIV và AIDS cho biết: “Các nhà sư giữ vai trò quan trọng trong chiến lược của chúng tôi nhằm giảm kỳ thị và và phân biệt đối xử đối với các gia đình sống chung với HIV/AIDS”.

Chị Nhã cho biết: “Tôi được nhà chùa hỗ trợ rất nhiều về tinh thần. Các thầy là nguồn động viên rất lớn đối với tôi. Ở chùa, tôi cũng có thêm nhiều bạn. Điều này làm tôi thấy mình có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng, nhất là cho con gái tôi. Tôi muốn ước mơ của cháu trở thành hiện thực: cháu muốn trở thành cô giáo”.

UNICEF hiện đang hỗ trợ triển khai mô hình Sáng kiến Lãnh đạo Phật giáo tại 7 ngôi chùa ở hai trung tâm đô thị lớn (ba chùa ở Hà Nội và bốn chùa ở TPHCM). Dựa vào thành công của sáng kiến, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gần đây đã phát động một chương trình nhân rộng cách tiếp cận này tại 40 tỉnh thành khác trên toàn quốc.

Tác giả
Sandra Bisin, UNICEF Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét