Tôi là Trịnh Hồng Sơn, tôi đã có hơn 20 năm gắn bó với ngành dinh dưỡng và công tác truyền thông thay đổi hành vi dinh dưỡng, tính chất công việc làm cho tôi có nhiều cơ hội được đi nhiều và tiếp xúc với nhiều nhóm cộng đồng có đặc thù văn hóa khác nhau, và cũng vì thế tôi hiểu rằng để thay đổi một thói quen gắn bó cố hữu lâu đời thì phải có nhiều nỗ lực và thời gian, phải có sự cảm thông chia sẻ thật sự. Đợt hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử vừa qua cũng là cơ duyên để tôi được tham gia vào chương trình cứu trợ khẩn cấp của UNICEF, đang được triển khai tại 10 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tôi đến với mảnh đất Tây Nguyên ngay từ ngày mới chập chững vào nghề. Ngày ấy, một sinh viên mới ra trường tôi cảm thấy cái gì cũng mới lạ, lúc đó tôi chỉ có lòng nhiệt tình và sự năng nổ của tuổi trẻ mà chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức. Mảnh đất và con người Tây Nguyên “vừa thật gần, vừa xa xôi” như lời bài hát của Nguyễn Cường, gần gũi bởi nơi đây, bạn dễ gặp những người dân đôn hậu, với nụ cười hiền hòa, địu trên lưng khi thì cái gùi to đùng đựng đầy sản vật của rừng núi hay nông sản cõng xuống chợ, khi thì một đứa bé ngủ say trên lưng mẹ, xa xôi bởi ngày ấy phương tiện đi lại đâu có dễ dàng như bây giờ. Nhưng đã đến với Tây Nguyên một lần thì đâu có dễ quên được cái màu xanh ngút ngàn tầm mắt của rừng cao su, màu trắng của hoa cà phê và đặc biệt là màu đất đỏ Tây Nguyên… tất cả tạo nên một nét rất đặc trưng của mảnh đất và con người Tây Nguyên.
Tôi trở lại Tây Nguyên vào một chiều cuối năm, sau những ngày Tây Nguyên oằn mình chống chịu một đợt hạn hán lớn nhất trong lịch sử 20 năm qua, đây đó vẫn còn thấy nhiều mảng rừng còn xác xơ, những mảnh đất khô cằn, dấu tích còn lại của những ngày Tây Nguyên thiếu nước, nhưng màu xanh đã bắt đầu trở lại với Tây Nguyên. Chiều cuối năm, trời Tây Nguyên hanh hao nắng, những triền đồi rực lên màu vàng của hoa dã quỳ, trên con đường nhựa phẳng phiu tôi vẫn bắt gặp nụ cười hiền hòa của người dân Tây Nguyên, vẫn cái dáng cặm cụi bước, trên lưng bây giờ ít thấy cảnh chiếc gùi trĩu nặng nữa bởi đã có nhiều phương tiện chuyên chở thuận tiện, nhưng vẫn thấy nhiều bà mẹ Tây Nguyên với đứa trẻ ngủ ngon lành trên lưng, vẫn cái dáng đi tần tảo và cặm cụi, đôi mắt vẫn hiền hòa nhưng xen lẫn nỗi lo âu vẫn còn đọng lại, bởi những gì mà đợt hạn hán lịch sử vừa qua còn để lại.
Là một người gắn bó với ngành dinh dưỡng nhiều năm qua, tôi hiểu rằng hậu quả của đợt hạn hán lịch sử vừa qua gây ra cho con người không phải một sớm một chiều có thể giải quyết ngay được. Màu xanh của cây trái có thể nhanh chóng trở lại với mảnh đất Tây Nguyên khi những cơn mưa đầu mùa trở lại, nhưng có những cơ hội phát triển chỉ đến với trẻ trong một giai đoạn nhất định của cả đời người. Tôi mong sao tất cả những đứa trẻ nơi mảnh đất hiền hòa này không bị bỏ lỡ cơ hội vàng phát triển ấy trong đời. Nơi tôi đến lần này là mảnh đất Kon Tum, đây là một trong những điểm nóng trong đợt hạn hán lịch sử vừa qua. Ngày 16/3/2016, UBND tỉnh Kon Tum ra Quyết định công bố thiên tai hạn hán xảy ra trên địa bàn tỉnh với rủi ro cấp độ 1. Chính phủ đã hỗ trợ Kon Tum khoảng 17,6 tỷ đồng để ứng phó với tình trạng khẩn cấp, cộng đồng quốc tế cũng chung tay giúp sức, một chương trình cứu trợ khẩn cấp trong lĩnh vực dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh môi trường của UNICEF đã kịp thời đến với người dân Tây nguyên.
Với các cán bộ chuyên môn tuyến cơ sở, khó khăn còn chồng chất, khi phải triển khai các hoạt động can thiệp trên một địa bàn rộng lớn, dân cư thưa thớt, và chúng tôi, những cán bộ trong chương trình cứu trợ khẩn cấp của UNICEF cũng vì thế luôn đồng hành cùng cán bộ cơ sở, xuống tận các địa bàn để cùng chia sẻ tháo gỡ, như ở xã Đăk Tờ Kan mà lần này tôi đến. Là một xã miền núi thuộc huyện Tu Mơ Rông, Đăk Tờ Kan nằm cách Thành phố Kon Tum khoảng 65km về phía bắc, dân số 3315 người với 624 hộ, 07 thôn đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số Xê-Đăng, cuộc sống còn nhiều khó khăn, sau cơn bão số 9 lịch sử năm 2009, đồng bào càng gặp nhiều khó khăn hơn do sạt lở đất, vùi lấp phấn lớn diện tích canh tác lúa nước, hiện nay đồng bào chủ yếu canh tác cây sắn, có 2 loại; loại thu hoạch sau 1 năm và loại thu hoạch sau 2 năm. Chị cán bộ chuyên trách dinh dưỡng đưa tôi đến thăm gia đình chị Y Põ, nhà chị ở thôn Đăk H Năng, vợ chồng anh chị có 3 cháu nhỏ, cháu gái đầu đã 4 tuổi, còn 2 cháu trai nhỏ cùng sinh ngày 06/02/2016, 2 cháu là con sinh đôi, đặt tên là A Ti và A Tý.
Cháu A Ti, được xác định là suy dinh dưỡng mức độ vừa, còn cháu nhỏ A Tý, được xác định là suy dinh dưỡng cấp tính nặng qua đợt khám sàng lọc ngày 30/8/2016. Hoàn cảnh gia đình các cháu hết sức khó khăn, cha của cháu phải lao động quanh năm vất vả với mấy nương sắn, nhưng vẫn không đủ nuôi cả gia đình, hầu như không mấy khi anh có mặt ở nhà, thương vợ con, anh cũng chỉ biết miệt mài lao động, mà điều kiện thời tiết đâu có chiều lòng người, mấy năm qua lại càng gặp khó khăn hơn do hạn hán, sản lượng thu hoạch giảm rõ rệt, hiện tại gia đình vẫn phải vay nợ 5 triệu đồng, với gia đình anh chị đây là món nợ không hề nhỏ, chị Y Põ nói với chúng tôi: “Mùa thu hoạch sắn năm nay, mình chỉ mong trả bớt được nợ nần, vì hàng tháng, gia đình mình phải trả lãi cho món nợ này là 250 nghìn đồng, nếu bán được sắn, mình sẽ trả bớt đi một nửa số nợ, còn lại vẫn phải để tiền mua thức ăn nuôi 2 cháu”.
Tôi hiểu, với điều kiện thời tiết thay đổi thất thường này thì ngay cả 2 vợ chồng chị cùng đi làm cũng khó mà có thể ngay một lúc trang trải được hết nợ nần, thế mà giờ đây, phần lớn thời gian chị phải ở nhà chăm sóc 2 cháu, với bao nhiêu công việc không tên của một người mẹ thương con và yêu chồng, mảnh vườn quanh nhà cũng gần như bỏ không vì chị đâu có thời gian nào để làm vườn nữa, cháu nhỏ vì suy dinh dưỡng nặng nên cũng đau yếu luôn, và lúc nào cũng ở trên tay chị. Thật may mắn khi bên chị vẫn có sự hỗ trợ của những người thân, và một người chồng chịu thương chịu khó, chia sẻ bớt công việc gia đình. Cháu nhỏ đã thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính nặng sau gần 4 tháng liên tục sử dụng sản phẩm dinh dưỡng hỗ trợ bởi UNICEF và Chính phủ Nhật Bản. Được các nhân viên y tế hướng dẫn tận tình, giờ đây chị đã biết cách sử dụng sản phẩm dinh dưỡng cho những đứa con thân yêu của chị. Biết cháu nhỏ đã được tăng cân và thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính nặng, đôi mắt chị ánh lên niềm vui và không ngại ngần chia sẻ “mình mong con mình lớn lên khỏe mạnh, khi cháu đến tuổi, mình sẽ cố gắng cho con đi học để các cháu không còn nghèo như mình nữa…”. Vâng, tôi cũng rất mong cho cháu được như thế và biết rằng cả một hệ thống xã hội cũng đang vào cuộc, cả những tấm lòng của bạn bè quốc tế cũng đang dành cho những đứa trẻ như con của chị sự quan tâm, chăm sóc, để biến ước mong giản dị của chị đến gần hơn nữa. Lòng tôi ấm lại khi thấy ánh mắt tràn đầy tình yêu thương của chị ngắm nhìn đứa bé đang ngủ mà miệng vẫn ngậm bầu sữa của mẹ, bàn tay chị đỡ nhẹ bầu sữa như muốn chắt chiu những giọt sữa hiếm hoi của mình để dành hết cho con.
Tạm biệt mẹ con Y Põ, chị cán bộ chuyên trách dinh dưỡng lại đưa tôi sang thăm gia đình Y Thoát ở ngay ven đường liên thôn. Nhìn từ ngoài, ngôi nhà khá khang trang so với những ngôi nhà xung quanh, bước vào nhà Y Thoát, tôi nhận thấy nhà chị không thuộc diện nghèo đói như gia đình của Y Põ, giữa nhà vẫn xếp khoảng chục bao tải lúa, trong nhà cũng có tivi để xem.
Vợ chồng Y Thoát mới có cháu A Lộc là con trai đầu lòng. Mặc dù hàng ngày chị vẫn ở nhà để chăm sóc con, nhưng thấy con gầy yếu, chị nghĩ rằng con nhà mình chỉ hơi gầy yếu so với những đứa trẻ khác. A Lộc được kịp thời phát hiện là suy dinh dưỡng cấp tính nặng trong đợt khám sàng lọc. Sau đó cháu được cấp phát sản phẩm dinh dưỡng từ chương trình hỗ trợ khẩn cấp của UNICEF và cháu đáp ứng tốt với đợt điều trị.
Y Thoát chia sẻ “mình muốn con mình khỏe mạnh, lớn lên học giỏi để làm nghề bác sĩ, giúp người dân khi bị đau ốm…”, tôi đọc được ánh mắt trăn trở của Y Thoát , khi chị thành thật tâm sự “...mình thương các bác ngành y vất vả, nên mình sẽ cố gắng nuôi con tốt hơn…sau khi được chị Y Ngúi là y tế thôn đến thăm và giải thích, bây giờ thì mình hiểu rồi, con mình bị suy dinh dưỡng là do mình chưa biết cách nuôi con khoa học, trước kia mình cứ nghĩ nhiều nhà nghèo hơn mình mà họ vẫn nuôi con khỏe mạnh chắc là do ông trời giúp”.
Tôi thầm cảm ơn Y Thoát đã dành cho các đồng nghiệp của tôi-các cán bộ y tế ở cơ sở, các nhân viên y tế thôn, một tình cảm quý mến chân thành, và tôi hiểu rằng con của chị, cũng như con của Y Põ và bao đứa trẻ khác ở vùng đất đỏ Tây Nguyên này sẽ không bị bỏ lỡ cơ hội vàng để lớn lên, phát triển khỏe mạnh, bởi bên cạnh các chị luôn có những nhân viên y tế thôn như chị Y Ngúi, ngày đêm lăn lộn với chương trình, thuộc tên từng đứa trẻ, đến với chị như người thân trong gia đình, cùng lo lắng theo dõi từng lần cân của cháu A Lộc con chị, hay như chị Y Thuyền, là nhân viên y tế thôn La Dong của xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông mà tôi gặp lần trước, hàng ngày vẫn phải đi làm rẫy, với mức phụ cấp còn thấp, nhưng với lòng nhiệt tình và trách nhiệm với những đứa trẻ, chị vẫn tranh thủ đến với từng gia đình, hướng dẫn tận tình những người mẹ Xê-Đăng cách chăm sóc dinh dưỡng cho con. Gặp tôi lần ấy Y Thuyền đã chân thành chia sẻ: “Mình thương những đứa trẻ trong thôn lắm, nhìn chúng nó gầy yếu mà lòng cứ thắt lại nên lúc nào cũng mình cũng phải cố gắng đến hướng dẫn cho mẹ chúng cách chăm sóc dinh dưỡng tốt nhất...”
Tôi biết rằng kỹ năng truyền thông của các chị có thể chưa thuần thục, nhưng các chị đến với các bà mẹ bằng sự chân thành sẻ chia, sử dụng ngôn ngữ thân thuộc của dân tộc mình, tất cả đã góp phần tạo nên một niềm tin yêu của cộng đồng dành cho các chị.
Khi rời Kon Tum tôi biết rồi rừng cây sẽ xanh tươi trở lại, nụ cười thân thiện mà tôi yêu sẽ mãi nở trên khuôn mặt hiền hòa của người dân và những đứa trẻ Tây Nguyên với ánh mắt bừng sáng sẽ là chủ nhân xứng đáng của miền đất này.
Tải và đọc toàn bộ câu truyện ở đây
Đồng tác giả: Trịnh Hồng Sơn và Trương Việt Hùng
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóatải ngay ứng dụng iura giải đáp luật hình sự bằng ứng dụng điện thoại
Trả lờiXóa