Đi cùng tôi có anh Trương Việt Hùng, Cán bộ Truyền thông của UNICEF tại Việt Nam. Hùng cũng trạc tuổi tôi, nói chuyện cũng hợp gu nên quãng đường từ TP. Hồ Chí Minh về miền Tây dường như được rút ngắn lại. Chúng tôi thực hiện chuyến đi này với mong muốn tìm hiểu rõ hơn về tác động của đợt thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu đối với người dân tại Bến Tre, đặc biệt là đối với trẻ em. Chúng tôi thảo luận với nhau khá nhiều trên suốt quãng đường đi để chuẩn bị tốt cho việc thu thập thông tin khi gặp chính quyền, người dân và trẻ em. Khi khởi hành chúng tôi có một chút lo lắng rằng liệu trong chuyến công tác này chúng tôi có đủ thời gian gặp và trò chuyện được nhiều với các em nhỏ hay không, vì lịch đi thực địa trùng vào thời gian học chính khóa của các em. Chúng tôi quyết định sẽ tranh thủ thời gian buổi trưa và chiều muộn khi các em tan học về để có thể trao đổi và lắng nghe nhiều hơn câu chuyện của chính các trẻ em nơi đây.
CHUYỆN BÉ KHA
Chúng tôi được chị Phạm Thị Hồng Xuyến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã dẫn tới thăm hộ bà Trần Thị Quyên tại ấp Mỹ An, xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm. Ở tuổi 72 trông bà Quyên vẫn khỏe mạnh, dù cuộc sống vất vả đầy lo toan cho gia đình làm cho bà ít cười hơn. Dẫn chúng tôi đi men theo bờ kênh, qua cầu tiêu ao cá và chiếc cầu nhỏ dẫn vào sân nhà, bà Quyên cho hay: “Năm nay trồng dừa kém lắm các chú ạ. Gặp nước mặn dừa cho ít trái và trái nhỏ, phải đốn bỏ cho gà ăn… Những năm trước cứ 1 tháng tôi hái được 100 trái dừa. Năm nay ba tháng mới được 100 trái, mà họ chỉ mua với giá 80.000 một chục. Dừa gáo nhỏ họ còn chê không mua cho nữa”. Tôi hỏi, hạn mặn như vậy bà có đủ nước sạch để dùng không? Bà Quyên chỉ tay sang nhà hàng xóm bảo: “Hạn, mặn mấy tháng trời, không có nước. Tôi sang hàng xóm xin nước hoài. Mà tôi xài kỹ lắm. Sợ nước hết, tôi trữ sẵn vào 1 cái thùng chứa nước mưa, hứng từ mái nhà trước lợp bằng fibro xi măng. Nhưng tới tháng 1, tháng 2 thì nước hết rồi. Cái ăn hàng ngày của gia đình tôi trông vào việc đặt lợp của thằng cháu Diện. Từ đợt hạn mặn, đặt lợp cũng không có gì hết trơn, đi cả ngày chừng được nửa ký thôi. Tôi nói thật với các cậu chứ cứ thế này chỉ có chết”. Bà buồn rầu chia sẻ tiếp: “Còn chanh nữa, giờ chỉ còn 1.000/ký vì trái chanh bị nhiễm mặn vàng và đắng lắm mà người ta cũng không mua. Đầu mùa bán còn được 10.000-15.000/ký, giờ bị như vầy khó lắm”.
Bà Quyên sống cùng cháu trai của bà, là anh Diện, 34 tuổi. Anh Diện có một con trai là bé Trần Văn Kha gọi bà Quyên bằng Cụ Cố. Bé Kha mất mẹ từ khi cậu mới vừa tròn 4 tuổi. Kha và anh Diện được bà Quyên cưu mang, đùm bọc từ nhỏ tới giờ. Nhắc đến thằng cháu cố, giọng bà rất xúc động: “Nó mất mẹ lúc mới lên 4 tuổi. Từ lúc đó tới giờ nó trở nên nhút nhát hơn, gặp người lạ không nói chuyện. Chỉ chơi loanh quanh với mấy đứa cùng khóm. Thằng nhỏ ngoan lắm nhưng nó rất nhút nhát và sợ bóng tối. Cứ tối đến mà muốn đi vệ sinh là tôi phải đốt đèn đưa nó đi ra cầu tiêu trước ao nhà kìa, mà trời tối ở đó nguy hiểm cho trẻ con lắm nếu thằng nhỏ mà đi một mình nhỡ xảy chân ngã xuống ao là không lường trước được...Tối tối nằm ngủ với cố nó bảo tôi là: con muốn học thật giỏi để lớn lên con sẽ làm công an tiền lương có bao nhiêu về con đưa cho Cố và Cha hết…”
Sau khi đón cháu Kha từ trường về, anh Diện trùng giọng chia sẻ: “Tôi đi mần tối ngày, hết đặt lợp, đi nơm, đi mò. Bị cụp lưng mấy lần rồi nên tôi không đi phụ hồ được. Phụ hồ thì được khá tiền hơn, nhưng vất vả hơn nhiều. Từ đợt hạn, mặn tới giờ tôi đặt lợp nhưng thất quá trời. Họ đánh thuốc nhiều quá. Năm nay không biết sao tôm không có… Đi làm kiếm sống tối ngày tôi không còn thời gian nhiều cho thằng bé nên nó cũng bị thiệt thòi. Càng ngày nó càng ít nói và nhút nhát.”
Được gặp bé Kha dù chúng tôi cố gắng thế nào đi nữa mà Kha vẫn lặng thinh khi chúng tôi hỏi về cuộc sống, học tập và mơ ước của em. Có lẽ sự ra đi của người mẹ là sự mất mát ghê gớm nhất với cậu, khiến cho tâm lý của Kha trở nên bất ổn hơn so với những bạn bè cùng trang lứa. Anh Diện cũng không cách nào làm cậu vui vẻ hơn được. Quay sang chúng tôi anh nói: “Thằng nhỏ rất thương cố và thương ba. Năm nay nó học sáng dạ hơn mấy năm trước. Cô giáo bảo nó học rất lẹ nhưng hay quên. Mới lên lớp 3 mà nó đã biết đánh máy tính. Nó bảo tôi là nó rất mê máy tính. Chừng nào kiếm đủ tiền ba mua máy tính cho con nhé!”
Chúng tôi tạm biệt gia đình trong tâm rất trạng khó tả. Chỉ cầu mong ông trời đừng làm khó người dân nơi đây. Hy vọng rằng khi gặp lại Kha trong chuyến công tác tới, chúng tôi sẽ được nhìn thấy nụ cười tỏa sáng trên gương mặt thông minh của cậu bé này. Mong rằng ước mơ nhỏ bé kia của Kha sẽ sớm thành hiện thực.
THUYỀN MẮC CẠN
Chúng tôi tiếp tục tới thăm hộ anh Nguyễn Văn Linh, 40 tuổi, ấp Tân Phong 2, xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre. Anh Linh có gương mặt rắn rỏi, cương nghị. Nhưng có lẽ cuộc sống vất vả, lo toan cho gia đình khiến da anh đen xạm và khuôn mặt có vẻ già hơn tuổi. Anh Linh là người chịu thương chịu khó hết lòng vì gia đình và vợ con. Đầu năm nay, gia đình anh đón tin vui mới. Một công ty thu mua dừa từ Malaysia đã tài trợ cho một khoản vốn nho nhỏ để anh xây dựng căn nhà bằng gạch khang trang hơn.
Cuộc sống gia đình tuy vất vả nhưng gia đình anh Linh luôn cảm thấy ấm áp với tình làng nghĩa xóm chia ngọt sẻ bùi. Đợt thiên tai vừa qua gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn nhưng được bà con xóm giềng giúp đỡ và bao bọc. Đưa chúng tôi ra bờ sông Hậu, anh xúc động chỉ cho chúng tôi nơi con thuyền bị mắc cạn vài tháng qua... “Con thuyền này đã nuôi sống gia đình tôi từ thế hệ cha ông tới nay nên dù khó đến mấy tôi vẫn quyết gắn bó với nó. Khi thuyền bị mắc cạn tôi phải cố xoay sở cách khác để đảm bảo cuộc sống cho gia đình”. Anh Linh nói chuyện với chúng tôi nhưng tay vẫn không ngừng gỡ lưới trên con thuyền mắc cạn của mình và lo lắng chia sẻ: “Một năm cất lưới chỉ ăn thua có mấy tháng thôi mấy chú à, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nếu năm nay lại hạn, lại mặn nữa thì căng lắm các chú ơi.”
Anh Linh trầm ngâm nhớ lại những ngày tháng vợ chồng anh bỏ quê đi làm thợ may ở TP. Hồ Chí Minh. Liên tục phải tăng ca và thu nhập của cả hai vợ chồng vẫn thiếu trước hụt sau. “Mấy năm đi làm ăn xa, vợ chồng tôi gửi thằng lớn cho bà ngoại trông mà lòng không yên tâm chút nào”. Khi bé Hoàng Anh chào đời, anh chị quyết định không đi làm ăn xa nữa, về quê lập nghiệp để tập trung nuôi dạy con cái vì với anh chị con cái là tài sản lớn nhất mà anh chị sẽ không bao giờ đánh đổi lấy một điều gì khác.
Tiễn chúng tôi ra về anh dường như vẫn muốn nói thêm điều gì đó nhưng anh ngập ngừng rồi lại thôi. Còn chúng tôi chỉ biết chúc gia đình anh may mắn và hạnh phúc. Chúng tôi tin chắc rằng gia đình tuyệt vời sẽ là chỗ dựa và động lực cho hai vợ chồng anh Linh và chị Hoàng sẽ sớm đưa con thuyền mắc cạn của họ ra khơi để đảm bảo cho tương lai của các con của mình.
Tải và đọc toàn bộ câu chuyện tại đây
Đồng tác giả: Vũ Xuân Việt và Trương Việt Hùng
Ảnh: Trương Việt Hùng
It are actually big that you have printed hence fun document.I am grateful that we have discovered your web site. I am just looking forward to read another, interesting article.
Trả lờiXóa