Từ trái qua phải: Đào Văn Thơm, Nguyễn Minh Tuấn (thành viên của nhóm mặc áo xanh), Nguyễn Minh Hải, Nguyễn Nhã Quyên (Hướng dẫn viên), Bùi Nguyễn Nhật Minh (Hỗ trợ viên).
UPSHIFT Workshop © UNICEF/Innovations Lab Ho Chi Minh/
UPSHIFT Workshop/Truong Viet Hung/Tháng 11 - 2015
Giáo viên khiếm thị dạy IT cho trẻ em khiếm thịChúng tôi gặp Minh Tuấn – Nhóm trưởng của nhóm dự án Xây dựng website tìm kiếm việc làm cho người khiếm thị – vào hôm tổ chức buổi hướng dẫn tại Mái ấm Thiên Ân. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Minh Tuấn là em khá điềm tĩnh, chính chắn, nhưng cũng rất hài hước. Em nhận được sự yêu mến và tôn trọng của các bạn trong cùng mái ấm và em cũng chính là giáo viên dạy IT tại nơi này.
Chặng đường đến với công việc giáo viên của Tuấn đầy những nghịch cảnh và sự nỗ lực phi thường. Tuấn tốt nghiệp loại khá khoa Công Nghệ Thông Tin ở Đại học Sư Phạm Tp.HCM. Em đã trải qua quá trình học tập như một sinh viên bình thường mà không có bất cứ ngoại lệ nào dành cho người khiếm thị. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy như được truyền thêm cảm hứng từ tâm niệm của em, rằng, với cơ hội và sự tiếp cận các nguồn lực thì không có ranh giới nào cho ước mơ và khả năng học hỏi, kể cả đối với người khiếm thị. Là một trong số ít ỏi thành viên tham gia UPSHIFT trên 24 tuổi, Tuấn cũng chính là người dẫn dắt và thành viên trụ cột trong nhóm. Kiến thức và kinh nghiệm của Tuấn đã giúp nhóm vượt qua các bài học trong đợt huấn luyện chuyên sâu và trở thành dự án đầu tiên được lựa chọn để triển khai trong thực tế.
Từ trái qua phải: Bùi Nguyễn Nhật Minh (Hỗ trợ viên), Nguyễn Minh Hải, Đào Văn Thơm, La Thị Mai Thu, Nguyễn Minh Tuấn (thành viên của nhóm mặc áo xanh), Nguyễn Nhã Quyên (Hướng dẫn viên).
UPSHIFT Workshop © UNICEF/Innovations Lab Ho Chi Minh/
UPSHIFT Workshop/Truong Viet Hung/ Tháng 11 - 2015
Minh Tuấn thực ra không phải là người khiếm thị bẩm sinh. Gia đình em có gen di truyền bệnh thoái hóa hoàng điểm, thoái hóa võng mạc, bản thân em cũng đã không tránh khỏi căn bệnh này. Lúc nhỏ em chỉ bị cận nhẹ nhưng đến năm 19 tuổi thì thị lực suy giảm nhanh chóng và em trở thành người khiếm thị.
Khi đó, từ một sinh viên năm 2 Đại học Nông Lâm, em đã phải nghỉ học vì không thể theo kịp bài vở. Cảm giác bất lực khiến em hoàn toàn mất phương hướng và rơi vào tâm trạng chán nản.
Nói về khó khăn của người khiếm thị, em chia sẻ: người khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn để tìm được một công việc phù hợp vì chỉ có một số lượng hạn chế công việc mà người khiếm thị làm được trong khi những dịch vụ hỗ trợ cũng còn rất giới hạn. Có rất nhiều cơ sở đào tạo không nhận người khiếm thị vào học với lý do không có kinh nghiệm đào tạo và chương trình giáo dục tương thích.
Đối với những sinh viên khiếm thị đang theo học Đại học tại Việt Nam, vượt qua các kỳ thi quả thực là một thử thách. Sinh viên bắt buộc phải có các chứng chỉ Anh Văn và Tin học để đáp ứng đủ yêu cầu tốt nghiệp. Nhưng bất cập ở chỗ các kỳ thi này thường không được tổ chức cho người khiếm thị. Những khó khăn trong học hành và nghề nghiệp đó đang chồng chất thêm lên cuộc sống vốn quá nhiều phức tạp thường ngày ở “thành phố không ngủ” như Hồ Chí Minh, nơi mà những cơ hội lựa chọn cho người khuyết tật là vô cùng giới hạn. Rất nhiều người trẻ bị khiếm thị đã phải sống phụ thuộc vào gia đình, sống trong sự kỳ thị của xã hội và thường xuyên phải chịu đựng sự thiếu tôn trọng cũng như những lời lẽ thương hại từ cộng đồng.
Nguyễn Minh Tuấn đang thuyết trình tại buổi huấn luyện chuyên sâu của UPSHIFT
UPSHIFT Workshop © UNICEF/Innovations Lab Ho Chi Minh/
UPSHIFT Workshop/ Truong Viet Hung/ Tháng 11 - 2015
Minh Tuấn đã vượt qua nghịch cảnh như thế nào?
Khi gia nhập mái ấm Thiên Ân, Tuấn đã làm quen với rất nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ và có cơ hội được tiếp cận với những công cụ hỗ trợ người khiếm thị, nhờ đó mà em đã lấy lại quyết tâm theo đuổi việc học của mình.
Lần này, Tuấn theo học tại Đại học Sư Phạm. Em đã dùng máy ghi âm toàn bộ bài giảng để nghe lại, tự tìm tòi đọc thêm tài liệu trên mạng để bổ sung kiến thức, có chỗ nào chưa hiểu thì hỏi thêm bạn bè. Sang năm thứ 2, em đã chủ động xin thực tập tại một công ty phát triển phần mềm để có thêm kinh nghiệm.
Từ chuyên môn của Tuấn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi đã tìm hiểu sâu hơn về khả năng sử dụng công nghệ của người khiếm thị, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông và giáo dục. Tuấn hào hứng giải thích: người khiếm thị sử dụng máy tính, các thiết bị di động thông qua một phần mềm hỗ trợ đọc màn hình tạm gọi là Screen Reader. Phần mềm sẽ đọc những gì đang có trên màn hình và người khiếm thị sẽ nghe màn hình bằng tai. Phần mềm này cũng cung cấp một hệ thống các phím tắt đa dạng để người khiếm thị có thể tăng tốc độ thao tác trên máy. Với phần mềm này, người khiếm thị hoàn toàn có thể chủ động check mail, lướt web, sử dụng facebook, đọc báo, và tìm kiếm thông tin.
Nguyễn Minh Tuấn đang thuyết trình tại buổi huấn luyện chuyên sâu của UPSHIFT
UPSHIFT Workshop © UNICEF/Innovations Lab Ho Chi Minh/
UPSHIFT Workshop/ Truong Viet Hung/ Tháng 11 - 2015
Ý tưởng xây dựng website tìm kiếm việc làm cho người khiếm thị đã ra đời như thế nào?
Kể từ khi mất đi thị lực và nếm trải những khó khăn của người khiếm thị, Tuấn đã luôn ấp ủ mong muốn được làm một điều gì đó, em khao khát tạo ra những cơ hội bình đẳng cho người khiếm thị. Tuấn cho rằng dường như người khiếm thị chỉ được biết đến qua những công việc lặt vặt như mát-xa, bán vé số hay làm đồ thủ công. Ngoài ra còn có rất nhiều người khiếm thị buộc phải ăn xin vì không thể làm gì khác. Thế nhưng, Tuấn, cùng với nhóm của em, đã có một kế hoạch để thay đổi tình trạng này.
Thị trường việc làm cho người khiếm thị tại Việt Nam đang rộng mở. Người khiếm thị đã xuất hiện trong rất nhiều ngành nghề như giáo viên, biên phiên dịch, châm cứu, lập trình viên, thậm chí có người đã học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ. Tuy nhiên, ngay cả khi các lựa chọn nghề nghiệp trở nên đa dạng, thì người khiếm thị vẫn có quá ít cơ hội để tìm được một công việc ổn định bởi vì nhiều nhà tuyển dụng chưa có khả năng, kinh nghiệm làm việc với người khiếm thị và nhìn nhận đúng đắn về năng lực của người khiếm thị. Họ không biết người khiếm thị có thể làm gì và nếu có mong muốn nhận đi nữa, thì cũng không có nhiều dịch vụ hỗ trợ họ tuyển dụng người khiếm thị.
Xuất phát từ thực tế này, Tuấn đã cùng nhóm ấp ủ dự án xây dựng website tìm kiếm việc làm cho người khiếm thị và nhà tuyển dụng. Trang web này không chỉ cung cấp thông tin việc làm, mà đó còn là cầu nối giữa người khiếm thị và nhà tuyển dụng với diễn đàn trực tuyến và dịch vụ hỗ trợ. Thông qua dự án này, Tuấn hy vọng rằng sẽ có ngày càng nhiều người khiếm thị tìm được công việc phù hợp và có thể tự nuôi sống bản thân.
Các bạn hãy cùng theo dõi những bước phát triển của dự án thú vị này tại website upshift.vye.vn nhé!
Tác giả: Thu Trần (Điều phối viên UPSHIFT) & Minh Bùi (VYE)
Biên tập: Brian Cotter UNICEF Innovation Lab: Viet Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét