Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

Hành trình UPSHIFT - Từ Kosovo đến Việt Nam

Khởi đầu của UPSHIFT Social Impact Workshop

Năm 2014, dự án VƯƠN LÊN với tên gọi UPSHIFT được Quỹ Nhi đồng Quốc tế Liên Hiệp Quốc UNICEF triển khai lần đầu tiên tại KOSOVO với mục tiêu đào tạo chuyên sâu các kỹ năng, hỗ trợ tài chính, huấn luyện và tư vấn chuyên môn để giúp giới trẻ có thể triển khai những dự án mang tác động tích cực cho cộng đồng. Chương trình đã gặt hái những kết quả ấn tượng với hơn 126 sự án được triển khai, hơn một nửa trong số đó vẫn tiếp tục duy trì ngay cả sau chương trình, thu hút và ảnh hưởng trực tiếp đến 61,056 người tham gia; có tác động gián tiếp đến 120,630 người.


Buổi mở đầu UPSHIFT Workshop tại Kosovo © UNICEF/Innovations Lab Kosovo/ UPSHIFTWorkshop/NjomzaKadriu/Tháng 3 - 2015

Vì sao chúng tôi mang UPSHIFT đến Việt Nam?

Gần 43% dân số Việt Nam, và 45% dân số ở Tp.Hồ Chí Minh, nơi được lựa chọn là điểm đến tiếp theo của UPSHIFT, dưới 25 tuổi. Trong đó, 20% trẻ trong độ tuổi 12 - 18 không có điều kiện theo học bậc Phổ thông hay cao hơn; 85% giới trẻ trong độ tuổi 16 - 30 không có bất cứ đợt tập huấn kỹ năng nào. Như vậy, Tp.HCM có nguồn nhân lực trẻ và dồi dào nhưng còn thiếu kỹ năng (hơn 4 triệu người dưới 25 tuổi ở Tp.HCM). Chính vì thế, UPSHIFT Social Impact Workshop đã chọn Tp.HCM là thử nghiệm đầu tiên tại Việt Nam.


Nhóm thực hiện dự án: Viet Youth Entrepreneurs
UPSHIFT Giai đoạn 1 © UNICEF/Innovations Lab Ho Chi Minh/
UPSHIFTOutreach/ Tháng 10 - 2015

Hợp tác triển khai UPSHIFT giữa UNICEF và VYE

Thử nghiệm UPSHIFT Vietnam, hoạt động chủ chốt trong một chương trình lớn hơn là Do giới trẻ, Vì giới trẻ (By Youth For Youth), có mục tiêu là trao quyền cho giới trẻ tham gia vào việc đóng góp ảnh hưởng tích cực cho xã hội như một đối tác và những nhà lãnh đạo tiềm năng. Với cùng chí hướng đó, Viet Youth Entrepreneurs (VYE), tổ chức Vì sinh viên, Bởi sinh viên (For Students, By Students) đã trở thành đối tác chính thức của UNICEF để triển khai UPSHIFT tại Việt Nam.

Được thành lập vào năm 2011, Viet Youth Entrepreneurs (VYE) là tổ chức đầu tiên và duy nhất về khởi nghiệp tại Việt Nam hoạt động bởi sinh viên và dành cho sinh viên. VYE đã và đang truyền cảm hứng khởi nghiệp cho giới trẻ Việt Nam thông qua các đợt huấn luyện kỹ năng khởi nghiệp do các lãnh đạo dày dặn kinh nghiệp hướng dẫn. Từ những kinh nghiệm trong việc đào tạo kỹ năng đó, cùng với nguồn lực tình nguyện viên trẻ đầy nhiệt huyết rất gần với đối tượng mà UPSHIFT hướng đến, đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hợp tác đầy triển vọng giữa UNICEF và VYE trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của giới trẻ Việt.

Buổi hướng dẫn cho học sinh cấp 2 tại Hóc Môn - ngoại ô Tp.HCM
UPSHIFT giai đoạn 1 © UNICEF/Innovations Lab Ho Chi Minh/
UPSHIFTOutreach/ Tháng 10 - 2015

Khó khăn không lường trước: sự nhầm lẫn giữa Vấn đề và Giải pháp.

Hàng loạt các buổi hướng dẫn giai đoạn 1 đã được tổ chức vào tháng 10 năm 2015 tại các trung tâm bảo trợ xã hội trong mạng lưới UNICEF và các trường chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật. Mục tiêu đặt ra là 500 bạn trẻ với ít nhất 30% trong số đó là trẻ em thiệt thòi, khó khăn hoặc dễ bị tổn thương.

Để giúp các bạn có thể xác định được những vấn đề nổi trội đang diễn ra trong cộng đồng, từ đó mới có được những ý tưởng thực tiễn nhằm giải quyết vấn đề đó, chúng tôi đã sử dụng phương pháp bản đồ tư duy với những hướng dẫn đơn giản: đặt trung tâm là bản thân, sau đó kết nối bản thân với các nhóm cộng đồng xung quanh, và đi sâu tìm kiếm những vấn đề trong cộng đồng mà mình quan tâm.

Các bạn trẻ thường cảm thấy bối rối khi tìm cách xác định những vấn đề cụ thể trong cộng đồng. Nguyên nhân có thể bởi vì các bạn trẻ đã quen liên tưởng những dự án xã hội với những câu chuyện đọc trên báo chí hoặc tivi hơn là những trải nghiệm của chính bản thân. Không có những trải nghiệm gắn bó mật thiết với bản thân đó, rất nhiều bạn trẻ chỉ có thể nói về vấn đề một cách mông lung và mơ hồ.


Buổi hướng dẫn cho học sinh cấp 2 tại Hóc Môn - ngoại ô Tp.HCM
UPSHIFT giai đoạn 1 © UNICEF/Innovations Lab Ho Chi Minh/
UPSHIFTOutreach/ Tháng 10 - 2015

Nhằm khắc phục tình trạng không xác định được vấn đề một cách rõ ràng, chúng tôi đã thêm vào một bước gọi là mô hình 5 W-H. Theo đó, các nhóm này sẽ trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề, bao gồm: Ai, Cái gì, Ở đâu, Khi nào, Tại sao - Như thế nào (Who, What, Where, When, Why – How), từ đó hiểu rõ hơn về cộng đồng, các vấn đề đang xảy ra và làm thế nào để giải quyết chúng. Với mô hình này, các nhóm đã có thể tạo nên sự kết nối giữa các vấn đề khác nhau trong cộng động và tiếp tục đào sâu cho đến khi xã định được vấn đề mà nhóm quan tâm nhất và lựa chọn được một giải pháp tương thích.

Điều chỉnh chương trình cho người khiếm thị: Mô hình nổi

Thử thách thứ 2 xuất hiện khi chúng tôi có một buổi hướng dẫn dành cho các em khiếm thị ở Mái ấm Thiên Ân, một mái ấm rất xa trung tâm Tp.HCM. Tuy nhiên, phương pháp bản đồ tư duy đóng vai trò then chốt trong các buổi hướng dẫn thì chắc chắn là một phương pháp thiết lập sơ đồ tư duy bằng hình ảnh, mà điều này là bất khả thi với người khiếm thị. Vì thế, chúng tôi chỉ có 2 sự lựa chọn trước tình huống này: một là phải thay đổi phương pháp tiếp cận, hai là phải làm thế nào để người khiếm thị hiểu được bản đồ tư duy ngay cả khi không thể nhìn thấy chúng. Giải pháp thứ 2 được lựa chọn bởi vì chúng tôi không thể phủ nhận rằng bản đồ tư duy là một cách tuyệt vời để tổ chức những suy nghĩ và ý tưởng. Mặt khác, chúng tôi cần phải đảm bảo rằng mọi người tham gia, ngay cả những đối tượng đặc biệt, đều được tiếp nhận cùng một phương pháp và cơ hội.

Để chuẩn bị cho buổi hướng dẫn gian nan này, chúng tôi đã có một buổi gặp mặt và phỏng vấn các bạn tham gia cùng với thầy hướng dẫn. Tại đó, chúng tôi biết được rằng một vài bạn trẻ ở đây đã biết đến khái niệm bản đồ tư duy. Dù các bạn không nhìn được chúng, nhưng các bạn đã đọc về chúng. Đây thực sự là một phát hiện tuyệt vời cho bước chuẩn bị của chúng tôi. Chúng tôi có thể thôi bận tâm về việc phải tìm kiếm phương pháp thay thế mà dành nhiều nỗ lực vào việc tìm cách chuyển tải được bản đồ tư duy đến cho các bạn khiếm thị.

Thầy Phong, người quản lý và cũng là giáo viên tại Mái Ấm, đã giải thích: muốn người khiếm thị có thể học các sơ đồ và bảng biểu mang yếu tố thị giác, họ cần những vật liệu với những bề mặt có chất liệu và hình dạng khác nhau giúp họ phân biệt và hình dung. Thầy đề nghị chúng tôi nên tạo ra các mô hình nổi ở bất cứ nội dung nào có minh họa hình ảnh, bởi vì sờ là cách duy nhất để người khiếm thị có thể tiếp thu kiến thức.

Dựa trên lời khuyên ấy, chúng tôi đã sáng tạo nên mô hình nổi cho bản đồ tư duy, đảm bảo rằng sự khác biệt giữa các tầng của bản đồ đủ rõ rệt để người khiếm thị có thể cảm nhận và hiểu được mục đích của từng thành phần trong bản đồ tư duy bằng mô hình nổi. Ví dụ như chúng tôi sử dụng những vòng tròn với kích thước khác nhau để biểu thị cho cấp độ suy nghĩ khác nhau, từ vấn đề cốt lõi đến nguyên nhân chính và những người liên quan. Sự khác biệt đó giúp người khiếm thị tiếp thu phương pháp này một cách dễ dàng hơn.

Các bạn đã rất hào hứng với những mô hình nổi bởi vì đối với rất nhiều bạn khiếm thị, đây là lần đầu tiên các bạn sờ chạm và trải nghiệm mô hình bản đồ tư duy. Chúng tôi đã tiếp tục làm thêm nhiều mô hình nổi khác cho các buổi hướng dẫn và ngay cả đợt trong đợt huấn luyện chuyên sâu của chúng tôi dành cho đối tượng đặc biệt này.

 


Buổi hướng dẫn tại trường khiếm thị Nhật Hồng, quận Thủ Đức, Tp.HCM
UPSHIFT Giai đoạn 1 © UNICEF/Innovations Lab Ho Chi Minh/
UPSHIFTOutreach/ Tháng 10 - 2015

Kỳ vọng và thực tế

Mục tiêu ban đầu được đặt ra cho giai đoạn Outreach là thực hiện 25 buổi hướng dẫn đến 500 người tham gia trong vòng 6 tuần, trong đó có 30% là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 50% là nữ. Thế nhưng, thực tế là chúng tôi chỉ có 4 tuần để triển khai. Dù vậy, với sự hợp tác và hỗ trợ tích cực, chúng tôi đã đạt được những kết quả hơn cả mong đợi.

Chúng tôi đã hoàn tất 25 buổi hướng dẫn cho 681 bạn trẻ với 36% đến từ các cộng đồng thiệt thòi, khó khăn; 68% người tham gia là nữ. Mặc dù UPSHIFT dành cho mọi đối tượng từ 14 đến 24, chúng tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ dưới 18 và kết quả là đã có 42% người tham gia thuộc nhóm đối tượng này. Đồng thời, dự án cũng nhận được rất nhiều câu hỏi, đề nghị hợp tác và đơn đăng ký trực tuyến, thậm chí từ những tỉnh thành ngoài Hồ Chí Minh.

Kết thúc giai đoạn tổ chức các buổi hướng dẫn nhỏ và kêu gọi đăng ký ý tưởng đến tham gia đợt huấn luyện chuyên sâu UPSHIFT: Social Impact Workshop kéo dài 2.5 ngày; chúng tôi đã nhận được 93 đơn đăng ký và lựa chọn được 10 nhóm có kết quả đánh giá cao nhất sau quá trình chấm điểm.

STT
Trọng tâm của dự án
Thông tin nhóm thực hiện
1
Xây dựng website việc làm cho người khiếm thị
Nhóm sinh viên khiếm thị
2
Hỗ trợ người khiếm thị tham gia giao thông công cộng
Nhóm sinh viên khuyết tật vận động
3
Vấn đề giáo dục cho trẻ nhập cư
Nhóm sinh viên Công tác Xã hội
4
Nhóm học tập cho trẻ em đường phố
Nhóm trẻ thiệt thòi ở Trung tâm bảo trợ xã hội Thảo Đàn
5
Cơ hội việc làm cho người khiếm thị
Nhóm sinh viên khiếm thị
6
Nâng cao nhận thức về cộng đồng LGBT và chuyển giới trên mạng và ở nhà trường
Nhóm sinh viên thuộc cộng đồng LGBT
7
Kênh phát thanh cho người khiếm thị
Nhóm học sinh khiếm thị
8
Sức khỏe hô hấp cho trẻ em tiểu học
Nhóm học sinh trung học và sinh viên
9
Giáo dục kiến thức sức khỏe giới tính và phòng chống xâm hại cho trẻ em và phụ nữ thiệt thòi
Nhóm sinh viên Công tác Xã hội
10
Làm video clip dạy ngôn ngữ ký hiệu cho người không khiếm thính
Nhóm bạn trẻ khiếm thính
Giai đoạn tiếp theo của UPSHIFT

10 nhóm được chọn sẽ tiếp tục tham gia vào đợt huấn luyện chuyên sâu 2.5 ngày vào tháng 11.2015. Để chuẩn bị cho sự kiện này, chúng tôi đã điều chỉnh chương trình giảng dạy sao cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam (cả về ngôn ngữ lẫn tình huống), đồng thời chúng tôi đã liên kết mạng lưới cộng đồng khởi nghiệp để mang đến cho các nhóm sự hỗ trợ và những kinh nghiệm thiết thực không chỉ trong đợt huấn luyện mà trong cả tương lai phát triển của dự án.

Để cập nhật thêm thông tin mới nhất về UPSHIFT, vui lòng xem thêm tại trang web của chúng tôi: upshift.vye.vn.

Và đừng bỏ qua câu chuyện về Kim Vân và Minh Tuấn, 2 gương mặt tiêu biểu đã tham gia vào đợt huấn luyện chuyên sâu của UPSHIFT.




Tác giả: Thu Trần (Điều phối viên UPSHIFT) & Đài Cao
từ Mạng lưới Khởi nghiệp trẻ Việt Nam - VYE. 

Biên tập: Brian Cotter UNICEF Innovation Lab: Viet Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét