Tuy nhiên, gia đình chỉ có thể cho em điều trị ở đó vài tháng vì chi phí sinh hoạt ở thành phố lớn rất đắt đỏ. Với mong muốn tìm kiếm phương pháp điều trị cho Nguyên tại nhà, mẹ em đã tham gia thảo luận tại một nhóm về trẻ tự kỷ trên Facebook. Thông qua nhóm này, mẹ em được giới thiệu đến một trung tâm mới thành lập ở ngay ở thành phố bên cạnh, cách nhà không xa, nơi có những dịch vụ chuyên biệt cho trẻ tự kỷ.
Ông Youssouf Abdel-Jelil, Đại diện UNICEF Việt Nam giao lưu với Thắng trong chuyến thăm TT GDHN Ninh Thuận tháng 4/2016. |
Cũng giống Nguyên, Thắng có những biểu hiện của tự kỷ từ khi mới một tuổi. Nhưng em phải đợi thêm sáu năm nữa mới được điều trị vì không có một cơ sở hay dịch vụ nào cho trẻ tự kỷ ở gần nhà em. Từ khi trung tâm mới được thành lập, ba em đưa em đến đó hai lần một tuần. Tại trung tâm em được tập các bài tập giúp tăng sự tập trung, cải thiện giao tiếp, bộc lộ cảm xúc và ý nghĩ. “Vì cháu bắt đầu muộn quá nên phải rất lâu mới thấy các bài tập có tác dụng”, cô Đoàn Thị Thanh Thủy, giáo viên của trung tâm chia sẻ.
Hồ Tường Vi, 14 tuổi, còn phải đợi lâu hơn mới nhận được các hỗ trợ cần thiết giúp khắc phục khuyết tật. Bị khiếm thnh từ khi mới lọt lòng, Vi cũng không nói được. Em không được đi học một cách chính thức vì các thầy cô giáo không biết cách dạy các trẻ em có nhu cầu đặc biệt. Tuy nhiên, em được phép ngồi cạnh em gái trong suốt các năm tiểu học. Mặc dù rất vui vì được ở bên em gái và các bạn học, nhưng Vi thường không hiểu được các bạn trong lớp trò chuyện những gì. Giờ thì em gái lại đưa chị đến trung tâm một tuần hai lần để học ngôn ngữ ký hiệu. “Em muốn học cùng chị Vi để có thể giao tiếp với chị tốt hơn”, em gái của Vi chia sẻ.
Vận động chính sách cho giáo dục hòa nhập
Thiếu các dịch vụ chuyên nghiệp để phát hiện khuyết tật, lựa chọn phương thức can thiệp hỗ trợ phù hợp trong những năm đầu đời đã làm hạn chế cơ hội của trẻ khuyết tật được tiếp cận với giáo dục phổ thông. Hơn 70% trẻ khuyết tật trong độ tuổi đi học ở Việt Nam không được đến trường. Phần lớn các trường học ở các cấp mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở đều không có cơ sở vật chất và các trang thiết bị phù hợp cho trẻ khuyết tật. Giáo viên chưa được đào tạo để đảm bảo môi trường sư phạm hòa nhập và không có các kỹ năng cần thiết để phát hiện và thực hiện các phương thức giáo dục phù hợp để đáp ứng nhu cầu đặc biệt của trẻ khuyết tật.
Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập (TT GDHN) đã chứng tỏ tính hiệu quả trong việc chuẩn bị cho trẻ khuyết tật hòa nhập vào các trường phổ thông cùng với các trẻ khác. Trung tâm cung cấp các dịch vụ khám sàng lọc và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật cũng như hướng dẫn và định hướng cho cha mẹ và các thầy cô giáo. UNICEF đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong nước, ở cả cấp trung ương và địa phương, khuyến khích thành lập các trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập như trung tâm ở Ninh Thuận. UNICEF tập trung vào tiến hành các nghiên cứu với các viện khoa học để có được các thông tin chính xác cung cấp cho quá trình xây dựng chính sách vì phúc lợi của trẻ khuyết tật. Năm 2014, Chính phủ đã ra văn bản quy định việc thành lập các trung tâm giáo dục hòa nhập và gần đây vào tháng 6 năm 2016, Chính phủ đã ra một Thông tư liên bộ quy định vai trò của các cán bộ nhân viên hỗ trợ giáo dục cho người khuyết tật. Mặc dù hiện nay quyết định thành lập TT GDHN đã thuộc thẩm quyển cấp tỉnh, nhưng cho tới nay, chỉ có 14 trung tâm được thành lập trong cả nước, con số quá nhỏ để có thể đáp ứng nhu cầu của 1.3 triệu trẻ khuyết tật ở Việt Nam.
TT GDHN Ninh Thuận – từ chính sách đến thực tiễn
Nguyên, Thắng và Vi là những học sinh đầu tiên được sử dụng các dịch vụ của TT GDHN ở Ninh Thuận, một trong những tỉnh nghèo thuộc miền Duyên hải Nam trung bộ Việt Nam. Được đưa vào hoạt động từ năm 2015, trung tâm đã cung cấp các dịch vụ cho trẻ khuyết tật như phát hiện khuyết tật, can thiệp sớm, tư vấn cho cha mẹ, đào tạo giáo viên, nâng cao nhận thức của cộng đồng. Được xây dựng trên khu đất rộng 20,000m2 với đội ngũ 15 cán bộ công nhân viên bằng ngân sách của tỉnh, trung tâm cung cấp dịch vụ cho trẻ khuyết tật trên địa bàn Ninh Thuận và các vùng lân cận.
Cô Đoàn Thị Thanh Thủy, giáo viên của TT GDHN với dụng cụ học
tập tự làm theo hướng dẫn tại các tập huấn do UNICEF hỗ trợ
|
UNICEF đã hỗ trợ Ninh Thuận trong việc thành lập TT GDHN ngay từ những bước đầu tiên, từ việc vận động thành lập trung tâm, vận động các bên liên quan cùng vào cuộc, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực cho các giáo viên và cán bộ nhân viên của trung tâm.
“TT GDHN Ninh Thuận là một ví dụ tốt cho thấy các chính sách và cam kết ở cấp trung ương được áp dụng như thế nào ở địa phương. Ở cấp trung ương, UNICEF hỗ trợ xây dựng chính sách, cải cách luật pháp và cải thiện các dịch vụ xã hội. UNICEF cũng giúp nâng cao năng lực và áp dụng các chính sách quốc gia tại địa phương một cách phù hợp và bền vững. TT GDHN Ninh Thuận có khả năng trở thành một mô hình tốt có thể nhân rộng ra các tỉnh khác”, ông Youssouf Abdel-Jelil, Đại diện UNICEF phát biểu.
“Giáo dục có chất lượng là quyền của mọi trẻ em. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi tất cả trẻ em, bao gồm cả trẻ khuyết tật, được đi học và được nhận nền giáo dục có chất lượng, cung cấp cho em các kiến thức cần thiết cho cuộc sống. UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nhằm đảm bảo tất cả trẻ em có được những hỗ trợ toàn diện cần thiết để phát triển và hoàn thiện phẩm giá”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét