Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

Dinh dưỡng cho trẻ em ở vùng cao Việt Nam

Nhật ký chuyến đi, phần một

Gần đây tôi đã có chuyến công tác tới vùng miền núi phía Bắc của Việt Nam cùng với các bạn đồng nghiệp UNICEF và Bộ Y tế, thăm chương trình dinh dưỡng do UNICEF hỗ trợ nhằm cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc H’Mông. Người dân tộc H’Mông, chiếm khoảng 1 triệu người trên tổng dân số Việt Nam. Họ sống ở những thôn bản miền núi vùng sâu vùng xa và trông ngô, lúa trên những thửa ruộng bậc thang.

Tỷ lệ trẻ em H’Mông suy sinh dưỡng thấp còi (trẻ quá thấp so với độ tuổi) rất cao. Ở một số nơi, tỷ lệ này cao tới 75%. Tôi nghĩ mình chưa từng chứng kiến nơi nào khác trên thế giới tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em cao như ở đây. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trung bình trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 40%, gần gấp đôi mức trung bình trên cả nước.


Ảnh: UNICEF EAPRO/2015/Christine Rudert 
Mẹ đang cho em bé H’Mông ăn cháo giàu chất dinh dưỡng, nấu tại Câu lạc bộ nuôi con khỏe ở Lào Cai


Các cháu nhỏ nói với tôi là đã 9 tuổi nhưng các cháu trông chỉ giống như 4 trẻ tuổi. Người lớn ở đây cũng thấp một cách bất ngờ, chỉ đứng đến dưới vai tôi.

UNICEF đang hỗ trợ các trung tâm y tế xã nơi có người H’Mông sinh sống triển khai một chương trình dinh dưỡng “thí điểm”. Chương trình sẽ được ghi chép cẩn thận và đánh giá trong vòng hai năm để rút ra những bài học kinh nghiệm và tính hiệu quả trong việc làm giảm suy dinh dưỡng,  giúp cho Bộ Y tế nhân rộng mô hình này đến tất cả những nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao.

Theo tìm hiểu của chúng tôi trước chuyến đi, những lý do khiến nhiều trẻ em H’Mông bị suy dinh dưỡng thấp còi vì không đủ lương thực thực phẩm. Người dân nơi đây chỉ sản xuất được một vụ lúa một năm vào mùa mưa, diện tích đất trồng lúa rất ít và xa trung tâm thương mại. Sản lượng nhỏ nên không đủ nuôi sống gia đình cả năm và không đảm bảo được chế độ dinh dưỡng đa dạng cần thiết cho trẻ em.


Ảnh: UNICEF EAPRO/2015/Christine Rudert 
Các gia đình trồng lúa trên những thửa ruộng bậc thang nhỏ, xa trung tâm thương mại.

Tôi nhận thấy chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ rất nghèo nàn, với thực phẩm truyền thống chỉ có cơm. Mẹ hoặc bà của trẻ nhá cơm cho nát rồi cho trẻ ăn. Vấn đề an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh cá nhân cũng rất kém, chính điều này là nguyên nhân quan trọng dẫn đến suy dinh dưỡng thấp còi. Một điểm tích cực mà tôi nhận thấy là tỷ lệ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi là khá cao, gần 60%.

Chương trình dinh dưỡng thí điểm có hai hoạt động chính là Câu lạc bộ nuôi con khỏe; và Nhóm hỗ trợ dinh dưỡng thôn bản do các nhân viên y tế thôn bản tổ chức. Chúng tôi đến thăm quan hoạt động của một câu lạc bộ được tổ chức tại nhà của trưởng thôn. Khoảng 20 người dân đã đến tham dự, phần lớn là các bà mẹ có con nhỏ và trẻ đến tuổi tập đi, và cũng có cả một số ông và bố của trẻ.

Các nhân viên y tế phổ biến kiến thức cho người dân về dinh dưỡng sử dụng các tài liệu do UNICEF hỗ trợ. Các nhân viên y tế cũng hướng dẫn các bà mẹ cách xay bột từ gạo và hai loại đậu; nấu thành cháo cùng với rau, trứng, sữa, đậu phụ, cá hoặc thịt để đảm bảo dinh dưỡng cho bữa ăn.



Ảnh: UNICEF EAPRO/2015/Christine Rudert
Tuyên truyền phổ biến kiến thức tại Câu lạc bộ nuôi con khỏe

Cháo nấu xong, các em bé hơn 6 tháng tuổi được ăn luôn tại Câu lạc bộ - và trẻ có vẻ rất thích ăn loại cháo này! Nhân viên y tế đo cân nặng, chiều cao của trẻ và khám sàng lọc xem trẻ có bị suy dinh dưỡng nặng không. Những trẻ có vấn đề cần điều trị được nhận thực phẩm dinh dưỡng ngay tại Câu lạc bộ.

Tại đây, tôi gặp chị Tiang Thi Doa, 22 tuổi, có con gái một tuổi trông rất khỏe mạnh tên là Hoàng Yến. Tiang đẻ con đầu lòng lúc 18 tuổi và hiện đang sử dụng biện pháp tránh thai, theo tư vấn của nhân viên y tế.


Ảnh: UNICEF EAPRO/2015/Christine Rudert 
Tiang và con gái tại Câu lạc bộ nuôi con khỏe

Hoàng Yến được bú mẹ gần như hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, đôi lúc có cho uống thêm nước. Bây giờ Tiang cho Hoàng Yến ăn cháo nấu bằng gạo và đậu mà cô đã học được tại Câu lạc bộ nuôi con khỏe, và vẫn tiếp tục cho con bú. Cô chia sẻ rằng gia đình rất ưu tiên vấn đề ăn uống của bé và thấy rằng chỉ cần mua thêm một ít thịt thôi và gia đình cô đủ điều kiện để mua được.

Sau khi thăm quan các hoạt động tại Câu lạc bộ, chúng tôi tiếp tục lái xe quanh sườn núi rồi đi bộ tiếp vào thăm nhà của một bác lớn tuổi đã tham dự Câu lạc bộ. Ông là Giàng Seo và cháu của Ông là Giàng Seo Dan, một trong những trẻ đang bị suy dinh dưỡng nặng.
Giàng Seo Dan 18 tháng tuổi, rất còi và xanh, chỉ nặng 7 kg. Hai tuần nay, em được nhận thực phẩm chức năng trị bệnh ăn liền HEBI sản xuất tại Việt Nam và đang tăng cân đều. Chế độ dinh dưỡng bình thường của em chỉ gồm có cơm và một ít rau. Mẹ Giàng Seo Dan cai sữa lúc 6 tháng và thường đi làm ruộng xa nhà.

Ông Giàng Seo cho biết gia đình không có tiền mua thịt. Nhà có trứng nhưng không cho Giàng Seo Dan ăn. Nhân viên y tế thôn đã hướng dẫn cho bố của Dan làm trứng trưng cho em ăn. Bức ảnh dưới dây chụp chồng tôi đứng cạnh bố của Giàng Seo Dan, các bạn có thể thấy, suy dinh dưỡng thể thấp còi có thể di truyền từ đời này qua đời khác.



Ảnh: UNICEF EAPRO/2015/Christine Rudert 
Chồng tôi cao 1m56, cao hơn rất nhiều so với bố của Giàng Seo Dan

Một trong những hoạt động của chương trình dinh dưỡng thí điểm của UNICEF là tập huấn cho nhân viên y tế thôn bản về kỹ năng truyền thông và tư vấn cho người dân cách nuôi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vệ sinh cá nhân và sàng lọc trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng. Tập huấn diễn ra trong 5 ngày. Trong thời gian này, các nhân viên y tế thôn bản đến các hộ gia đình trong thôn có trẻ em dưới hai tuổi, đánh giá thói quen cho con ăn của người dân ở đây và tư vấn. Nhân viên y tế thôn bản cũng tổ chức phổ biến kiến thức cho nhóm và nhận một khoản tiền trợ cấp nhỏ từ Chính phủ khoảng dưới 600,000đ (30 đô la Mỹ) một tháng.

Chúng tôi xuống núi và có buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh. Bà Liên, Phó Giám đốc Sở, cho biết 90 xã trong tỉnh có tỉ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi cao – trẻ em chỉ được ăn cơm và cha mẹ chưa biết cho con ăn đúng cách. Bà Liên cũng nhấn mạnh rằng nhân viên của Sở cần theo dõi và giám sát chương trình thí điểm này một cách chặt chẽ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để cải thiện. Bà rất mong chứng kiến kết quả của dự án thí điểm và dự kiến tiến hành lập kế hoạch và dự toán kinh phí cho việc nhân rộng mô hình này trên địa bàn tỉnh.

Tôi chia tay người H’Mông và ra về, cảm thấy lạc quan về tiềm năng phát triển của họ – cha mẹ, ông bà và nhân viên y tế rất quan tâm và thích chương trình thí điểm này, quyết tâm làm những việc cần làm một cách khoa học cho con em mình. Với sự hỗ trợ từ Bộ Y tế, UNICEF và các đối tác, tôi hoàn toàn tự tin rằng trẻ em H’Mông sẽ phát triển cao hơn, dinh dưỡng tốt hơn và có tương lai tươi sáng hơn những thế hệ ông bà cha mẹ mình.

Người viết: 
Christiane Rudert, Cố vấn về Dinh dưỡng, UNICEF khu vực Đông Á & Thái Bình Dương

2 nhận xét: