Trong phần một, tôi đã viết về chuyến đi đến cộng đồng người H’Mông ở vùng miền núi Việt Nam, nơi có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng rất cao - ở một số nơi, suy dinh dưỡng thấp còi cao đến 75%. Điểm đến tiếp theo của tôi trong chuyến đi Việt Nam có điều kiện hoàn toàn trái ngược với tỉnh miền núi, thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố lớn đông đúc với gần 10 triệu dân.
Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi tại thành phố Hồ Chí Minh rất thấp, chỉ khoảng 7%. Tuy nhiên, tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ rất thấp (1%). 50% phụ nữ mang thai chọn sinh mổ và không cho con bú bao giờ. Thay vào đó, họ nuôi con bằng sữa bột, loại thực phẩm không mang lại những lợi ích về sức khỏe và dinh dưỡng như sữa mẹ. Những bà mẹ làm việc ở các nhà máy thường dừng cho con bú khi họ phải đi làm trở lại.
Ảnh: UNICEF EAPRO/2015/Christine Rudert
Tiếp xúc da-kề-da giữa mẹ và con tại một bệnh viện ở thành phố Thành phố Hồ Chí Minh
Ngay từ giờ đầu tiên trong cuộc đời của đứa trẻ đến lúc trẻ hai tuổi và sau này, sữa mẹ giúp bảo vệ các bé khỏi bệnh tật và tử vong – bất kể trẻ được sinh ra ở quốc gia thu nhập cao hay thu nhập thấp, trong gia đình giàu hay gia đình nghèo. Nuôi con bằng sữa mẹ là thiết yếu đối với phát triển trẻ thơ, giúp não phát triển khỏe mạnh, tăng chỉ số thông minh và khả năng học tập.
Để khuyến khích và vận động bà mẹ cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời ở Việt Nam, UNICEF đã hỗ trợ đưa nội dung nuôi con bằng sữa mẹ vào tiêu chí quốc gia về chất lượng bệnh viện. Bên cạnh đó, cùng với tổ chức Alive and Thrive, UNICEF đã vận động thành công đưa chế độ nghỉ thai sản 6 tháng tại Việt Nam vào luật năm 2013.
Tôi đã đến thăm một số bệnh viện cùng với đoàn Thanh tra Bộ Y tế để xem các bệnh viện áp dụng tiêu chí quốc gia chất lượng bệnh viện như thế nào, trong đó có Mười bước nuôi con bằng sữa mẹ thành công. Tiêu chí này áp dụng cho tất cả các bệnh viện nhà nước và tư nhân, kết quả thanh tra được công bố công khai.
UNICEF cũng hỗ trợ các trung tâm đào tạo để nâng cao kỹ năng cho các bác sỹ và nhân viên y tế về hướng dẫn nuôi con và cho con bú bằng sữa mẹ. Ở bệnh viện nhà nước, nơi hàng năm có tới 60,000 trẻ em được sinh ra, tôi quan sát thấy các bà mẹ làm đúng cách. Một giờ sau khi sinh, trẻ sơ sinh được cho nằm áp sát trên ngực mẹ để đảm bảo cho bà mẹ có thể bắt đầu cho con bú.
Tôi cũng gặp một bà mẹ khác sinh mổ nhưng cho con bú thành công và chị chia sẻ với tôi rằng chị chưa bao giờ có ý định cho bé ăn bằng sữa nào khác ngoài sữa mẹ. Các bác sỹ nói đối với những bà mẹ sinh mổ, đôi khi rất khó có sữa về ngay để cho con bú trong một giờ đầu tiên sau mổ, nhưng các bác sỹ luôn cố gắng giúp những bà mẹ này. Tôi thấy các bác sỹ và nhân viên y tế rất tận tâm trong việc áp dụng những cách làm tốt nhất để đảm bảo cho các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, cả trong bệnh viện nhà nước và tư nhân mà chúng tôi đến thăm.
Ảnh: UNICEF EAPRO/2015/Christine Rudert
Lao động nữ có con và đang mang thai trao đổi tại một nhà máy may
Khả năng cải thiện và tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ tại thành phố Hồ Chí Minh dường như rất khả quan, nhưng khi các bà mẹ hết kỳ nghỉ thai sản và quay lại làm việc thì sẽ ra sao? Để tìm hiểu điều này, tôi đã đến thăm một nhà máy sản xuất quần áo xuất sang thị trường Canada.
Nhà máy này đảm bảo chế độ nghỉ thai sản 6 tháng vẫn hưởng lương cho tất cả lao động nữ sinh con, theo Luật Lao động năm 2013. Nhà máy còn có một phòng vắt, trữ sữa mẹ có trang bị tủ lạnh để bảo quản sữa, dụng cụ vắt sữa và các tài liệu truyền thông do tổ chức Alive and Thrive cung cấp.
Lao động nữ được nghỉ giữa giờ để vắt sữa. Tôi đã gặp một chị công nhân đang mang thai; chị sử dụng phòng cho vắt, trữ sữa này để duy trì nuôi con đầu của mình bằng sữa mẹ, chị chia sẻ hết sức tích cực về nuôi con bằng sữa mẹ.
Tôi nói chuyện với lãnh đạo nhà máy và họ hiểu rõ việc cần thực hiện pháp luật lao động liên quan đến nghỉ thai sản; không phân biệt đối xử với phụ nữ; đảm bảo việc làm sau khi giai đoạn nghỉ thai sản kết thúc. Lãnh đạo cũng như Công đoàn nhà máy rất ủng hộ việc nuôi con bằng sữa mẹ.
UNICEF và Alive and Thrive hiện đang vận động chính sách đối với hai luật mới ở Việt Nam nhằm quy định bắt buộc đối với tất cả những nơi làm việc phải đảm bảo có thời gian nghỉ vắt sữa và phòng vắt, trữ sữa mẹ và xây dựng nhà trẻ.
Kết thúc chuyến công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, về đến văn phòng tại Băng-cốc, tôi nhìn lại những chương trình về dinh dưỡng tôi đã được đến thăm ở các tỉnh thành khác nhau ở Việt Nam và nghĩ về những chính sách và luật pháp, sự tận tụy và cam kết của các bác sỹ và nhân viên y tế trong bệnh viện giúp các bà mẹ cho con bú ngay sau khi sinh, nỗ lực của các cán bộ huyện đưa các chương trình dinh dưỡng đến với cộng đồng người H’Mông ở vùng sâu vùng xa cũng như sự hỗ trợ hết sức hiệu quả của UNICEF Việt Nam.
Những việc đã và đang làm được thật ấn tượng và đã gặt hái được thành quả: Báo cáo toàn cầu về dinh dưỡng năm 2015 đã xếp Việt Nam vào các quốc gia đang đi đúng tiến độ trong việc đạt được bốn trên năm mục tiêu toàn cầu về dinh dưỡng, bao gồm suy dinh dưỡng thể thấp còi và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.
Người viết:
Christiane Rudert, Cố vấn về Dinh dưỡng, UNICEF khu vực Đông Á & Thái Bình Dương
Ngày 8 tháng 3 sắp đến, hay dành lời chúc ngày 8/3 cho chị em gái và tin nhan 8/3 hay va y nghia đến những người mẹ, người phụ nữ mà mình yêu thương nhé.
Trả lờiXóa