Triển lãm nhà tiêu trưng bày nhiều mô hình nhà tiêu giúp người dân lựa chọn được mô hình phù hợp nhất cho gia đình mình |
Các
mô hình nhà tiêu được thiết kế để phù hợp với tình hình địa lý của địa phương. Phần
lớn các mô hình nhà tiêu đều do địa phương sản xuất và có chi phí giá thành thấp
để người dân tại đây có thể mua nguyên vật liệu và xây dựng.
“Đây
là một ý tưởng rất hay, giúp cho người dân dễ dàng quyết định lựa chọn loại
hình nhà tiêu nào phù hợp với mình nhất, cả về kỹ thuật và khả năng tài chính. Tôi
mong rằng tỉnh của tôi cũng có được một triển lãm tương tự”, Bà Liên, Phó Giám
đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai chia sẻ.
Cùng
với các lãnh đạo và chuyên gia của tỉnh Lào Cai, Bà Liên đang có chuyến công
tác tại tỉnh An Giang để chia sẻ kinh nghiệm và học tập các thực tiễn tiêu biểu
cho các chương trình giúp trẻ em nghèo và dễ bị tổn thương. UNICEF đóng vai trò
quan trọng trong việc kết nối, tập hợp các đối tác và hỗ trợ quá trình trao đổi
chia sẻ kinh nghiệm này nhằm đảm bảo trẻ em được tiếp cận tới các dịch vụ cơ bản
và củng cố cơ sở dữ liệu cũng như chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của địa phương.
Được coi như một loại hình trao đổi trong nước học tập từ mô hình hợp tác quốc
tế Nam-Nam, các đối tác của UNICEF từ tỉnh Lào Cai và An Giang đang đặt nền tảng
cho sự khởi đầu của một xu hướng giao lưu trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các
thực tiễn tiêu biểu và các bài học kinh nghiệm giúp những trẻ em Việt Nam dễ bị
tổn thương nhất tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, và bảo trợ xã hội cơ bản,
giúp các em phát triển hết tiềm năng của mình.
“Việt Nam hiện là quốc gia có thu nhập trung
bình, vì vậy để đảm bảo sự bền vững, chúng ta cần dựa vào các nguồn lực trong
nước. Chúng tôi sẽ tiếp dục hỗ trợ Chính phủ trong việc nâng cao năng lực, xây
dựng cơ sở dữ liệu tạo cơ sở cho việc xây dựng chính sách”, Ông Youssouf Abdel-Jelil, Đại diện UNICEF Việt
Nam chia sẻ.
An Giang là một
trong tám tỉnh UNICEF hỗ trợ Chương trình Tỉnh bạn hữu trẻ em. Chương trình này
cung cấp các dịch vụ lồng ghép cho trẻ em bao gồm y tế, giáo dục, vệ sinh và bảo
trợ xã hội. Chương trình cũng giúp tăng cường năng lực cho các cơ quan cấp tỉnh,
huyện và xã giải quyết các rào cản khiến cho trẻ em không tiếp cận được với các
dịch vụ cơ bản.
“Chúng tôi bắt đầu thực hiện Chương trình tỉnh bạn hữu trẻ em vào năm
2012 trong khi tỉnh An Giang đã bắt đầu tham gia năm 2006 và đã đạt được những
tiến bộ lớn trong một số lĩnh vực. Đây là một cơ hội tốt để học tập kinh nghiệm
của An Giang, giúp chúng tôi tránh đi đường vòng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện
hiệu quả hơn”, Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh
Lào Cai chia sẻ.
An
Giang đã đạt được những tiến bộ lớn trong lĩnh vực vệ sinh, đặc biệt là tại các
huyện mà UNICEF hỗ trợ chương trình Vệ sinh tổng thể dựa vào cộng đồng. Tại các
huyện này, hàng năm số lượng nhà tiêu hợp vệ sinh tăng 10% so với bình quân 5%
của tỉnh. 30 xã đã được chứng nhận cộng đồng Không phóng uế bừa bãi. “Sẽ rất
khó để theo dõi tiến độ chỉ với phương thức giám sát thông thường. Thay vào đó,
chúng tôi thực hiện lập bản đồ nhà tiêu trong các huyện dự án. Dựa vào hoạt động
này, chúng tôi nắm được ai cần xây dựng nhà tiêu và sử dụng các kênh thích hợp
để tiếp cận họ,” Ông Phạm Hồng Dũng, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh An Giang phát
biểu.
Trẻ em dân tộc K’mer vui chơi tại lớp mẫu giáo nơi các em được giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của mình |
Lào Cai đã chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục song ngữ của tỉnh. Với 65% dân số tỉnh là người dân tộc thiểu số, Lào Cai đã tham gia vào Nghiên cứu giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ do UNICEF hỗ trợ từ năm 2008. Từ năm 2013, chính quyền địa phương đã mở rộng Chương trình này đến các nhóm trẻ em người Mông.
Trong ba ngày tham quan học tập, hai đoàn đã giao lưu trao đổi kinh nghiệm về cải cách công tác lập kế hoạch thông qua việc rà soát các phát hiện từ các nghiên cứu và phản hồi của người dân; lồng ghép các vấn đề trẻ em vào Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng như quản lý dự án. “Tôi rất ấn tượng với sự tham gia vào cuộc của các cơ quan ban nghành địa phương của tỉnh An Giang.”, Bà Ngân từ tỉnh Lào Cai cho biết. “Khi chúng ta coi đó là trách nhiệm của mình và nắm bắt rõ các hoạt động thì chương trình sẽ có hiệu quả và bền vững.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét