Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Bảo vệ những trẻ em Việt Nam chưa được khai sinh


Mai* - cô bé 12 tuổi sống giữa thành phố Hồ Chí Minh – thành phố lớn và phồn hoa nhất Việt Nam. Gia đình cô bé sống trong căn nhà rộng 10m2 được dựng lên bằng các tấm tôn. Cô bé sống với bố mẹ và 04 anh chị em – tất cả đều chưa từng tới trường hay đi khám sức khỏe, tiêm phòng hoặc tiếp cận với bất kỳ chương trình bảo trợ xã hội nào mà người nghèo ở Việt Nam thường được hưởng.  

Mặc dù có tới 96% trẻ em Việt Nam được đăng ký khai sinh, nhưng Mai và 04 anh chị em nằm trong số 4% trẻ em không được khai sinh. Những trẻ em không được đăng ký khai sinh tại Việt Nam hầu hết thuộc các gia đình nghèo, dân tộc thiểu số hoặc di cư. Bố mẹ Mai không biết đọc biết viết và cũng không hiểu được lợi ích của việc đăng ký khai sinh có thể mang lại cho các con của mình.

  


Bên cạnh vai trò công nhận sự tồn tại đầu tiên về mặt pháp lý của đứa trẻ tại Việt Nam, đăng ký khai sinh còn đóng vai trò cơ bản giúp trẻ tiếp cận với các dịch vụ cơ bản và bảo trợ xã hội, cũng như giúp trẻ có quyền được cấp hộ chiếu, mở tài khoản ngân hàng, vay tín dụng, bầu cử hoặc tìm kiếm việc làm khi trưởng thành.

Một buổi sáng đầu năm 2011, khi Mai đang đi bán vé số dạo với mẹ để kiếm thêm tiền, cô bé gặp chị Thủy – một nhân viên xã hội từ Trung tâm Bảo trợ xã hội Thao Đàn.



Trung tâm Bảo trợ xã hội Thảo Đàn là một trong số các tổ chức dân sự tại Việt Nam tập trung vào bảo vệ và chăm sóc trẻ em và trẻ vị thành niên cần sự giúp đỡ đặc biệt. Nhờ sự hỗ trợ của UNICEF Việt Nam, Trung tâm Thao Đàn đã hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em nghèo, trẻ em đường phố hoặc trẻ em là nạn nhân của lạm dụng, bóc lột tình dục và bạo hành gia đình.

Cuộc gặp gỡ này đã thay đổi cuộc đời Mai. Chị Thủy nói chuyện với mẹ Mai và thuyết phục mẹ cô bé gửi Mai và các anh chị em tới Trung tâm Thao Đàn vào các buổi chiều để tham gia vào các lớp đọc, viết và kỹ năng sống.

“Trước khi gặp cô Thủy, cuộc đời cháu chỉ có ngủ dậy, đi ra phố để ăn mỳ vào buổi sáng. Sau đó cháu đi bán vé số với mẹ tới 11h trưa, rồi chiều lại tiếp tục đi bán. Cháu ghét đi bán vé số. Công việc rất mệt nhọc, nếu không bán hết, gia đình cháu phải mất tiền. Đây là vấn đề lớn cho gia đình cháu,” Mai giải thích.  



Ngoài các lớp học văn hóa, chị Thủy đã giúp gia đình Mai có sự hỗ trợ về pháp lý để xin cấp giấy khai sinh cho tất cả các anh chị em trong gia đình Mai.

“Mai và các anh chị em là các thành viên không được xã hội ghi nhận” Chị Thủy chia sẻ “Các em không được tiếp cận tới bất kỳ dịch vụ y tế hoặc giáo dục nào vì các em không hề tồn tại trong cơ sở dữ liệu quốc gia.”

Vào tháng 09, Mai sẽ đi học trường công lần đầu tiền. Vốn là người thông minh, nhanh nhẹn, nhờ các lớp học vào buổi chiều ở Thao Đàn, Mai đã học đọc và viết để đuổi kịp các bạn cùng trang lứa. Bố mẹ em đã có thể nộp đơn xin hỗ trợ từ các chương trình trợ giúp xã hội nhằm giảm bớt gánh nặng nghèo đói.  


“Cháu rất lo lắng khi sắp nhập học vào tháng 9 tới” Mai chia sẻ. “Cháu không muốn bị bắt nạt nhưng cháu rất mong được học đọc và viết. Cháu mơ ước học xong lớp 12 và trở thành cô giáo. Cháu yêu cô giáo cháu ở Trung tâm Thao Đàn và muốn lớn lên được như cô.”

Tác giả: Laura Ngo Fountain

1 nhận xét: