Từ đầu năm 2014, Việt Nam đã ghi nhận trên 3.500 ca nhiễm bệnh. Trên 86% trong số ca nhiễm bệnh sởi chưa được tiêm chủng hoặc không biết trẻ đã được tiêm phòng hay chưa.
Tại Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương đã điều trị 1.280 ca mắc bệnh sởi, trong đó có trên 100 ca tử vong do các biến chứng liên quan đến sởi. Trong số các trường hợp tử vong, một nửa trong số đó là trẻ em dưới 9 tháng tuổi.
Nhiều trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị các bệnh bẩm sinh như: bệnh tim, rối loạn chuyển hóa và các dị tật. Ảnh: UN Việt Nam\2014\Trương Việt Hùng |
Sởi vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới. Là một căn bệnh rất dễ lây, vi rút sởi tấn công rất nhanh những trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng. Đặc biệt, trẻ mắc các bệnh lý bẩm sinh hoặc bị suy dinh dưỡng sẽ dễ bị tổn thương nếu bị nhiễm vi rút sởi, và kết quả là trẻ có thể tử vong vì viêm phổi, tiêu chảy và viêm não.
Những trẻ có bệnh lý bẩm sinh bị nhiễm bệnh sởi có nguy cơ gặp những biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe như viêm phổi, tiêu chảy và viêm não. Ảnh: UN Việt Nam\2014\Trương Việt Hùng |
Vắc-xin an toàn và hiệu quả kể từ năm 1980
Ở Việt Nam, trước khi vắc xin sởi được đưa vào sử dụng vào năm 1980, hàng năm có hơn 100.000 trường hợp mắc bệnh sởi. Đến năm 1988, với tỷ lệ tiêm vắc xin sởi ở mức 90% đã làm giảm đáng kể số ca mắc bệnh sởi xuống dưới 10.000 mỗi năm song như thế vẫn chưa đủ để tiến tới loại trừ hoàn toàn bệnh sởi.
Vì bệnh sởi là bệnh rất dễ truyền nhiễm nên một quốc gia cần đảm bảo ít nhất 95% trẻ em được tiêm hai liều vắc xin để dự phòng bùng phát dịch.
"Tiêm chủng thực sự cần thiết để làm giảm tỷ lệ tử vong trẻ em tại Việt Nam," Tiến sĩ Takeshi Kasai, Đại diện TCYTTG tại Việt Nam cho biết. "Tỷ lệ cao về tiêm phòng sởi cho trẻ em tại Việt Nam sẽ ngăn chặn dịch bệnh lây lan, và sẽ phá vỡ tính chu kỳ của các trường hợp sởi gần đây nhất".
Đáp ứng của nhân viên y tế và Bộ Y tế
Nhiều trẻ nhập viện tại Bệnh viện Nhi Trung ương dưới 9 tháng tuổi và hơn 50% là đến từ Hà Nội. Ảnh: UN Việt Nam\2014\Trương Việt Hùng |
Bộ Y tế Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng, huy động toàn bộ hệ thống y tế để kiểm soát việc lây truyền vi rút sởi, điều trị bệnh nhân và tiêm chủng cho trẻ em có nguy cơ.
Các bệnh viện và các cơ sở y tế đã được bổ sung nhân lực và thiết bị, trong khi cán bộ tiêm chủng trên cả nước đang triển khai các chiến dịch tiêm vét vắc-xin sởi cho trẻ em.
"Trong 10 năm làm việc ở đây, tôi chưa từng thấy nhiều trẻ em mắc bệnh sởi như thế này," Bác sĩ Phan Hữu Phúc, người đang điều trị các ca nhiễm sởi nặng nhất tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết. "Hiện tại, Khoa điều trị tích cực ICU và Khoa lây đã quá tải, nhưng chúng tôi đã nhanh chóng huy động các nguồn lực tạo ra một khu vực riêng để điều trị cho các bệnh nhân sởi. Điều này đã giúp chúng tôi có thể điều trị các ca nhiễm sởi từ trung bình đến nặng, đặc biệt là những trẻ bị suy hô hấp cấp và cần hỗ trợ thở máy", bác sỹ Phúc nói.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy nhớ lại một năm trước khi quyết định không tiêm vắc xin sởi cho con trai của mình. Cũng như nhiều bậc phụ huynh khác ở Việt Nam, chị đã đọc các bài báo trên phương tiện truyền thông về các phản ứng phụ nghiêm trọng, bao gồm cả tử vong, mà nguyên nhân được suy đoán là liên quan đến tiêm chủng.
"Vì cảm thấy quá lo sợ trước các phản ứng phụ của vắc-xin nên tôi đã quyết định không đưa con trai đi tiêm chủng định kỳ. Bây giờ tôi đã có bài học cho mình," chị nói, "và tôi sẽ nói với bạn bè của tôi hãy đưa con của họ đi tiêm phòng để chúng không bị mắc bệnh như con trai của tôi hiện nay"
Trên thế giới, vắc-xin sởi đã được đưa vào sử dụng được 50 năm. Vắc xin sởi đảm bảo an toàn, hiệu quả, không tốn kém, và đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm số ca tử vong vì bệnh sởi trên toàn thế giới.
Trong 15 năm qua, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Liên Hợp Quốc (UN Foundation) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Việt Nam đã tăng cường cam kết giảm tỷ lệ các vụ dịch sởi và đã tiến hành chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi định kỳ cho trẻ từ 9 tháng đến 10 tuổi, bao gồm cả tiêm mũi thứ hai, với nỗ lực nhằm tạo miễn dịch trọn đời cho trẻ.
Từ năm 2011, Việt Nam tiêm miễn phí vắc-xin sởi được sản xuất trong nước cho tất cả các trẻ em đủ điều kiện sức khỏe. Một chiến dịch tiêm phòng sởi và rubella cho trẻ em từ 9 tháng đến 14 tuổi sẽ được triển khai trên toàn quốc vào cuối năm nay.
Trong vài tuần qua, người dân đã đổ xô đưa con đi tiêm phòng bệnh sởi. "Đây là biện pháp phòng ngừa quan trọng mà mọi người có thể làm để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng của mình," Tiến sĩ Takeshi Kasai nói. "Các chương trình tiêm chủng thành công cũng giống như các xã hội thành công: chúng phụ thuộc vào sự hợp tác của mỗi cá nhân là đi tiêm chủng để đảm bảo sức khỏe tốt cho cả đất nước"
Mời các bạn xem phóng sự ảnh dưới đây:
Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới
Khẩu hiệu cho Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới năm 2014 là "Tiêm chủng vì một tương lai khỏe mạnh hơn: Biết, Kiểm tra, Bảo vệ". TCYTTG khuyến khích các gia đình tìm hiểu thêm về các căn bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin, kiểm tra xem liệu mình đã tiêm các loại vắc xin được khuyến nghị chưa, và thăm khám với chuyên gia chăm sóc sức khỏe để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Để biết thêm thông tin, xin liên hệ:
- WHO tại Việt Nam | Ms. Trần Thị Loan | Tel: 84-4-943 3734/5/6 (ext. 83886) | Email: media.vtn@wpro.who.int
- UNICEF tại Việt Nam | Ms. Nguyễn Thị Thanh Hương | Tel: 84-4-39425706 - 11 (ext. 401)
Email: ntthuong@unicef.org - UN tại Việt Nam | Mr. Trịnh Anh Tuấn | Tel: 84-4-38224383 (ext.107) | Email: trinh.anh.tuan@one.un.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét