Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Sức mạnh của Vắc-xin

“Vắc-xin” đầu tiên mà một đứa trẻ cần nhận được là sữa mẹ, một loại vắc-xin hoàn toàn miễn phí và làm giảm đáng kể các nguy cơ mắc bệnh của trẻ. (c) UNICEF Việt Nam\2007\Đoàn Bảo Châu

Các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới đang được tổ chức trên 180 quốc gia. Chúng ta đều biết vắc-xin là một can thiệp y tế công cộng hiệu quả với chi phí thấp đã cứu sống bao người. Vắc-xin cung cấp kháng thể chống lại nhiều bệnh tật gây tử vong và khuyết tật cho con người mà cả một thế hệ mới ngày nay đã may mắn không biết đến những bệnh tật đó. Vắc-xin giúp xóa sổ bệnh đậu mùa năm 1977 và đang tiến tới loại trừ bại liệt, uốn ván sơ sinh và sởi. Các vắc-xin mới đang giúp bảo vệ con người khỏi các bệnh viêm phổi và tiêu chảy (hai bệnh là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em) và nhiều loại bệnh ung thư.

Một đứa trẻ được tiêm chủng đầy đủ thường có nhiều cơ hội được đi học hơn, có khả năng nhận thức tốt hơn,  có thể trở thành một thành viên có ích cho xã hội hơn và ít có nguy cơ bị khuyết tật hơn.



Về mặt kinh tế, những đầu tư cho tiêm chủng thường đưa lại tỉ suất lợi nhuận từ 15-20%. Tính từ năm 2011 đến 2020, mở rộng tiêm chủng ở 72 nước nghèo nhất trên thế giới có thể giúp cứu sống 6 triệu người và giảm hơn 150 tỉ đô-la các chi phí cho điều trị và do mất năng xuất lao động.

Các hoạt động y tế thường nhật và các chiến dịch tiêm chủng đã mang các chương trình tiêm chủng tới nhiều trẻ em. 83% trẻ em trên toàn Thế giới được tiêm chủng các vắc-xin thiết yếu. Cách thức thực hiện tiêm chủng này cũng được sử dụng để cung cấp các can thiệp y tế khác cho các bà mẹ và trẻ em. Tiêm chủng và cách thức thực hiện tiêm chủng đã giúp Việt Nam tiến tới đạt các Mục tiêu Thiên niên kỷ về sức khỏe.

Trong suốt 26 năm qua, Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở việt Nam đã mở rộng diện tiếp cận, cứu sống 42,000 trẻ và ngăn ngừa được hơn 6,7 triệu ca mắc các bệnh sởi, uốn ván, bạch hầu, sởi và ho gà. Hơn 1,7 triệu trẻ nhỏ Việt Nam (96%) được tiêm ngừa 10 loại bệnh phổ biến ở trẻ em. Trong hơn 2 năm qua, tỉ lệ trẻ sơ sinh ở Việt Nam được tiêm ngừa viêm gan B đã tăng từ 21% lên 76%. Có được những thành tựu này đều nhờ vào những nỗ lực không mệt mỏi của các nhân viên y tế tuyến cơ sở - những người thường phải làm việc trong hoàn cảnh khó khăn, cũng như các cam kết của Chính phủ và các đối tác phát triển.

Tuy nhiên, những thành quả hiển nhiên này không phải tự nhiên mà có và khoảng 20% số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi  ở Việt Nam có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. “Vắc-xin” đầu tiên mà một đứa trẻ cần nhận được là sữa mẹ, một loại vắc-xin hoàn toàn miễn phí và làm giảm đáng kể các nguy cơ mắc bệnh của trẻ. Thật không may là 1/5 trẻ em trên thế giới không được tiếp cận nguồn vắc-xin tự nhiên đơn giản và sẵn có này.

UNICEF, WHO và các đối tác của Liên minh Toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm Chủng (GAVI) đã có những hỗ trợ to lớn cho các quốc gia trong việc cung cấp các loại vắc-xin mới có hiệu quả mà thường các quốc gia này không đủ kinh phí để mua. Ví dụ, Việt Nam đã tiến hành các bước mạnh mẽ để bắt đầu tiêm phòng vắc-xin rubella vào cuối năm nay, thông qua một chiến dịch mang vắc-xin đến cho 23 triệu trẻ em từ 9 tháng – 14 tuổi và thông qua các hoạt động tiêm chủng thường xuyên sau chiến dịch nhằm loại trừ 83,000 trường hợp hội chứng rubella bẩm sinh. Dựa vào các bằng chứng thực tế, Việt Nam đang cân nhắc đưa các loại vắc-xin khác vào chương trình tiêm chủng trong những năm tiếp theo. Năng lực sản xuất vắc-xin trong nước của Việt Nam đang được nâng cao và, nếu đạt tiêu chuẩn tối thiểu của Thế giới, có thể sẽ đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Nhân dịp Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới năm nay, Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng và lợi ích mà tiêm chủng mang lại và củng cố lòng tin của người dân vào tiêm chủng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng ở cấp trung ương và địa phương.

Sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và các đối tác phát triển là cốt lõi để đảm bảo các nguồn lực được sử dụng có hiệu quả với hiệu suất cao. Các cam kết tài chính trong và ngoài nước cũng như giám sát kỹ thuật là tối quan trọng. Điều này giúp nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn an toàn cũng như đảm bảo tất cả trẻ em được tiêm chủng những vác-xin mà các em có quyền được hưởng. Chúng tôi tin rằng mọi trẻ em ở Việt Nam đều có quyền được tiêm chủng đầy đủ. Điều này không phải chỉ là nguyên tắc về đạo đức giúp làm giảm các tác động có hại đến mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng  mà còn bởi vì vắc-xin có sức mạnh không những cứu sống mà còn làm thay đổi cuộc đời con người. Đến được với em bé cuối cùng giúp cải thiện cuộc sống của các em, của các thế hệ tương lai và đóng góp vào việc tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam.


 Takeshi Kasai và Lotta Sylwander

Tác giả:
Ông Takeshi Kasai là Đại diện của WHO tại Việt Nam và bà Lotta Sylwander là Đại diện của UNICEF tại Việt Nam. Bài này đã được đăng trên báo Vietweek ngày 26 tháng 4 năm 2013/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét