Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Các Ủy ban Bảo vệ trẻ em ở địa phương là lực lượng nòng cốt trong việc xác định và hỗ trợ trẻ em dễ bị tổn thương

Nele Bostoen là cán bộ bảo vệ trẻ em mới làm việc cho UNICEF Việt Nam chín tháng. Cô tham gia nhóm Bảo vệ trẻ em của UNICEF với nhiệm vụ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nâng cao hệ thống bảo vệ trẻ em từ cấp trung ương tới cấp xã để đảm bảo rằng những trẻ em có nguy cơ hoặc là nạn nhân của bạo lực, xâm hại, bóc lột và sao nhãng được xác định và hỗ trợ kịp thời và chuyên nghiệp.  

Các Ủy ban Bảo vệ trẻ em ở địa phương  là lực lượng nòng cốt trong việc xác định và hỗ trợ trẻ em dễ bị tổn thương

Trước đây tôi đã từng nhìn thấy các em bán vé số ở chợ và trên đường phố. Nhưng tôi chưa bao giờ mua vé số của các em vì không muốn khuyến khích các em tiếp tục bán vé số thay vì đi học. Sau chuyến công tác tới An Giang, tôi nhận ra rằng một số trẻ em đơn giản là không có cơ hội đến trường nếu không được hỗ trợ.
Nam bán vé số cách nhà năm cây số  © UNICEF Việt Nam/2013/Trương Việt Hùng


Hôm đó là sáng thứ ba, chúng tôi đi xe ô tô từ thành phố Long Xuyên dọc bờ sông đến quận Tân Phú. Thời gian này vẫn là Tết Âm Lịch, trước cửa mỗi nhà đều treo cờ Việt Nam cùng cây cảnh ngày Tết. Tôi tham gia nhóm công tác của UNICEF, đến thăm các gia đình để lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm của những cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công việc.

Khi đi phà qua sông, những con đường và ngôi nhà trở nên nhỏ bé. Chúng tôi rời đường chính và đi vào từng con phố nhỏ. Chúng tôi dừng lại ở một ngôi nhà trắng có mái lợp tôn với bạt che hình hoa mang lại bóng mát cho ngôi nhà. Chị Nguyễn Thu Trang đang chờ chúng tôi và ân cần mời chúng tôi vào trong nhà. Ngôi nhà chỉ có một cái giường, một góc buồng nhỏ và trải chiếu. Mỗi người trong chúng tôi tìm một chỗ ngồi trên sàn nhà trong khi những người hàng xóm tụ tập bên ngoài tò mò tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra.

Ngôi nhà thuê của Nam sống cùng gia đình © UNICEF Việt Nam/2013/Trương Việt Hùng
Lê Văn Nam, cháu trai của chị Trang dường như rất vui khi được chú ý nhưng không khí thay đổi khi chị Trang bắt đầu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về Nam. Nam 10 tuổi, cậu bé bị nhiễm HIV. Bố mẹ cậu bé đều mất vì AIDS khi Nam mới lên ba. Nam cùng người anh 13 tuổi là Phạm Văn Trung sống trong ngôi nhà trọ với bác. Chồng của chị Trang đã bỏ đi, để lại chị với hai đứa trẻ. Chị không có việc làm. Thu nhập của họ trông vào tiền bán vé số. Với mỗi vé số, họ lãi được 1000 đồng. Trung bình Nam bán được 40 vé số một ngày, lãi 2 đôla. Chị Trang, Nam và Trung làm việc suốt cả ngày. “Cháu không có bạn”, Nam nói, “nhưng thỉnh thoảng cháu xin bác 1000 đồng và đến quán cà phê internet chơi trò chơi điện tử trên mạng. Trò chơi ưa thích của cháu là trò Nông trại.”

Thật xúc động khi nghe người bác kể về những khó khăn khi một mình nuôi hai đứa trẻ.

Một cộng tác viên địa phương (tình nguyện viên cộng đồng hỗ trợ các cán bộ địa phương) được UNICEF hỗ trợ tập huấn biết được hoàn cảnh của Nam và biết rằng Nam không đi học. Người cán bộ đó đã đến nhà tìm hiểu kỹ thông tin và đề xuất trường hợp  này lên Ủy ban Bảo vệ trẻ em ở địa phương nhằm tìm cách giúp đỡ cậu bé và gia đình. Ủy ban hiện nay đang bàn với Ủy ban nhân dân để tìm một mảnh đất cho gia đình cậu bé xây nhà, để cậu bé và gia đình không phải thuê trọ nữa. Ủy ban cũng cho chị Trang biết về quyền lợi của cậu bé Nam được đi học miễn phí và giúp đỡ chị Trang về thủ tục  hành chính và các thủ tục khác để đảm bảo bé Nam có thể được đi học.

Vài năm trước đây chưa có cơ chế chính thức để xác định các trẻ em cần bảo vệ và trợ giúp. Sau đó, UNICEF hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng Chương trình quốc gia về Bảo vệ trẻ em, gồm việc tăng cường hoặc thành lập các Ủy ban Bảo vệ trẻ em với sự tham gia của các ban ngành như an sinh xã hội, giáo dục, y tế và công an. UNICEF còn hỗ trợ chính quyền địa phương thực hiện hệ thống bảo vệ trẻ em thông qua đào tạo về bảo vệ trẻ em, quản lý ca và các dịch vụ bảo vệ trẻ em cơ bản như dịch vụ tư vấn.

Nam trên đường đi bán vé số © UNICEF Việt Nam/2013/Trương Việt Hùng
Với sự hỗ trợ của UNICEF, các giáo viên, cán bộ y tế, công an và cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em thường xuyên họp và trao đổi cách có thể giúp đỡ trẻ em dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng. Thật thú vị khi được chứng kiến những người đến từ ban ngành khác nhau cùng hợp tác: từ việc xác định trẻ em cần bảo vệ đặc biệt, thông qua việc báo cáo trường hợp tới Ủy ban Bảo vệ trẻ em xã, cho đến việc cung cấp dịch vụ hoặc chuyển tuyến. Khi cần, có thể tìm sự trợ giúp thêm từ Ủy ban Chỉ đạo Bảo vệ trẻ em của tỉnh và huyện. Nhưng Việt Nam vẫn chưa có đủ cán bộ làm công tác phúc lợi trẻ em và gia đình để có thể hỗ trợ từng trẻ em cần trợ giúp. Nhưng với sự vận động và hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF, hệ thống này tuy chưa phát triển nhanh nhưng chắc chắn sẽ mạnh hơn và hiệu quả hơn.

Cuộc sống trước mắt của Nam còn khó khăn nhưng với sự trợ giúp của Ủy ban Bảo vệ trẻ em, cậu bé sẽ có sự khởi đầu tốt hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét