Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

Một cuốn sách tiện ích nhằm giúp giảm kỳ thị với trẻ em nhiễm HIV ở trường học

“Những điều cần biết về HIV/AIDS và trẻ em” là sản phẩm có tính thực tế và thân thiện với trẻ em đầu tiên tập trung vào vấn đề giảm kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam.

Không còn cảm giác lo sợ và bị phân biệt đối xử khi đến trường


Đối với chị Nguyễn Thanh An, bà mẹ của hai cô con gái, việc cho các con đến trường vào năm học mới là một điều rất quan trọng. Vừa háo hức vừa lo sợ, chị mong sao con mình có thể yên tâm học tập ở trường mà không bị mọi người phân biệt đối xử, cũng không gặp phải sự phản đối từ phía các phụ huynh khác và từ cộng đồng. Chị An và một trong hai cô con gái của chị đang sống với HIV.

“Cách đây vài năm, tôi đã công khai việc mình bị nhiễm HIV với mọi người, và kể từ đó tôi đã tham gia công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân ở đây về HIV/AIDS” – chị An cho biết. Chị không những không ngại công khai việc mình bị nhiễm HIV, mà còn tham gia tổ chức các sự kiện ở địa phương. “Lúc đầu mọi người tỏ ra xa lánh các con tôi, nhưng tôi đã nói với họ rằng bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của HIV, và tôi cũng giải thích cho họ cách phòng ngừa lây nhiễm HIV.”

Phân biệt đối xử với trẻ em sống với HIV và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV đã trở thành một mối quan ngại lớn ở Việt Nam. Ở nhiều địa phương trên khắp cả nước, hàng trăm bậc phụ huynh đã gọi điện đến trường bày tỏ sự phản đối, nhiều người còn tổ chức tụ tập trước cổng trường để yêu cầu nhà trường không cho những học sinh nhiễm HIV tiếp tục được đi học.

Những hành động nói trên rõ ràng là những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, trong khi pháp luật Việt Nam có những quy định tiến bộ hơn so với nhiều quốc gia khác trong việc thúc đẩy thực hiện quyền của người sống với HIV. Thách thức thực sự đặt ra ở đây là làm thế nào để tăng cường thực thi luật và cung cấp cho các bậc phụ huynh cũng như toàn thể cộng đồng những thông tin chính xác về HIV/AIDS.

Chín điều cần biết về trẻ em và HIV/AIDS


Một em gái đang đọc những điều cần biết trong cuốn sách tại buổi công bố sách ở TPHCM.
Cuối tháng 8/2010, khi các em học sinh bước vào năm học mới, Chính phủ và các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam đã phối hợp xuất bản cuốn sách phổ biến thông tin có tên gọi “Những điều cần biết về trẻ em và HIV/AIDS”. Cuốn sách mỏng này nêu bật 9 điều cần biết nhằm giúp mọi người nhận ra những quan niệm và cách hiểu sai lầm về HIV/AIDS, đấu tranh chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, đặc biệt là ở trường học.

Điều cần biết số 3: HIV không lây truyền qua tiếp xúc thông thường với trẻ em nhiễm HIV.

Đây là một ví dụ về một trong những điều cần biết quan trọng giúp làm giảm những lo ngại của các bậc cha mẹ về khả năng con mình bị lây nhiễm HIV ở trường học. “Tôi chưa từng được nghe nói về bất cứ trường hợp nào trên thế giới có xảy ra lây nhiễm HIV trong những bối cảnh thông thường ở trường học” – các chuyên gia Bộ Y tế cho biết tại buổi ra mắt cuốn sách được tổ chức gần đây. “Nếu các bạn biết có trường hợp nào như vậy thì hãy cho chúng tôi biết”

Được biên soạn dựa trên cuốn sách “10 điều cần biết về HIV và trẻ em” của Thái Lan, cuốn sách này của Việt Nam được Bộ Giáo dục & Đào tạo phối hợp với UNICEF thực hiện sau khi tiến hành tham khảo ý kiến rộng rãi với các chuyên gia về HIV, các giáo viên, phụ huynh và trẻ em nhằm điều chỉnh nội dung cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Tại các buổi công bố sách ở Hà Nội và TPHCM, một nhóm trẻ em thuộc dự án HIV/AIDS của tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã giải thích 9 điều cần biết này từ góc nhìn của chính các em. Hai con gái của chị An cũng được mời đến dự buổi công bố cuốn sách, và các em đã được nghe bạn mình trình bày rất rõ ràng. Điều cần biết số 8: Cần giáo dục giới tính và trang bị các kỹ năng về sức khỏe sinh sản, HIV và kỹ năng sống cho trẻ em. Được mời đến tham dự buổi công bố còn có các cán bộ cấp cao của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và đại diện các tổ chức LHQ, cùng với siêu mẫu Vũ Nguyễn Hà Anh – đại sứ thiện chí của UNICEF tại Việt Nam.

Sự tham gia của cộng đồng là yếu tố then chốt

Cuốn sách này là sản phẩm thông tin thiết thực và thân thiện với trẻ em đầu tiên tập trung vào vấn đề giảm kỳ thị đối với người nhiễm HIV ở Việt Nam – nhưng bản thân cuốn sách này vẫn là chưa đủ. “Vấn đề là ở chỗ cuốn sách sẽ được sử dụng như thế nào” – bà Lotta Sylwander, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu. “Chúng ta cần tìm ra những cách thức sáng tạo nhằm thúc đẩy việc thảo luận và học tập trong nhà trường và cộng đồng, sử dụng cuốn sách nhằm bù đắp những thiếu hụt về kiến thức, đặc biệt là xóa bỏ những quan niệm và hiểu biết sai lầm cũng như những nghi ngờ vốn đã ăn sâu trong ý thức của mọi người, dẫn đến tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử còn tồn tại dai dẳng.”  

Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng: “Các địa phương cần phối hợp với nhà trường trong việc sử dụng cuốn sách này và trong những sáng kiến đấu tranh chống phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS để giúp các em tiếp tục được đến trường, được là một phần của cộng đồng và có một tương lai tốt đẹp hơn.”.

Sắp tới ước tính sẽ cần xuất bản thêm 500.000 cuốn sách nữa. Tại buổi công bố sách, một số tổ chức, đoàn thể và tổ chức phi chính phủ đã cho biết họ đang cần thêm sách, và họ cũng đã có kế hoạch in thêm sách bằng ngân sách của đơn vị mình. Nhu cầu sử dụng cuốn sách tiện ích này ở cấp cơ sở cho các chiến dịch và các buổi sinh hoạt nhóm đang tiếp tục tăng lên.

Bước tiếp theo là Bộ GD&ĐT và UNICEF sẽ tập huấn về kỹ năng tổ chức học tập, thảo luận về nội dung cuốn sách cho những người sử dụng cuốn sách này ở trường học. Giáo viên trên khắp cả nước sẽ tổ chức họp với phụ huynh học sinh nhằm giới thiệu về những điều cần biết nêu trong tập sách và thảo luận về cách giảm thiểu kỳ thị trong trường học. Nỗ lực này sẽ được tiếp tục cho đến khi mọi trẻ em sống với HIV có thể đến trường học mà không có cảm giác lo sợ và không bị phân biệt đối xử.

(Ghi chú: Tên của một số cá nhân trong bài này đã được thay đổi nhằm bảo vệ tính riêng tư và bảo mật thông tin của họ)

Tác giả: Keisuke Taketani

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét